Núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, ruộng lúa ở thung lũng, ruộng leo lên đồi, ruộng lồi trên non, đó là ấn tượng ban đầu khi được đặt chân đến vùng đất thâm sơn cùng cốc của tỉnh Yên Bái: huyện Mù Căng Chải.
Gần 90% dân số ở đây là người Mông, 8% là người Thái, người Kinh chỉ có 2%. Người Kinh ở đây một nửa là cán bộ nhân viên, một nửa là dân buôn bán nằm ở huyện lỵ. Người Thái lập bản ở vùng đồi thấp, làm lúa nước ở thung lũng. Còn lại mênh mông núi rừng hiểm trở là phần của người Mông. Người Mông giỏi vượt đèo trèo núi (nên còn có tên là người Mèo) đã biến núi đồi vùng cao này trở thành ngút ngàn ruộng bậc thang.
Đường đến Mù Căng Chải qua Than Uyên, non xanh núi biếc đẹp như tranh | Một điền chủ trẻ người Mông, đứng trên cao chỉ về ranh giới ruộng bậc thang ở tít xa do ba đời gia đình mình gầy dựng |
Mùa gặt ở Mù Căng Chải thường rơi vào giữa tháng năm và tháng mười dương lịch, mênh mông màu vàng sóng lúa, hương đất hương ngàn hòa với thứ thanh khí vô nhiễm của vùng cao, làm dịu vợi lữ khách miền xuôi.
Đến Mù Căng Chải duy nhất chỉ có quốc lộ 32 bằng hai hướng. Nếu từ Hà Nội, sẽ lên Yên Bái, từ Yên Bái đến Mường Lò 70km, ngủ tại đây để sáng sớm mai đi xe từ Mường Lò, xế trưa sẽ đến Mù Căng Chải. Đoạn này dài gần 100km, nhưng hơn 80km là đường đèo dốc tiến lên liên tục. Chừng nào leo đến độ cao 1.750m, sương mây mù mịt là sắp đến thị trấn Mù Căng Chải! Chặng giữa đèo có một miền đất phẳng, hãy nghỉ chân ở đây để thưởng thức thứ cơm lam nếp Mường ở Tú Lệ dẻo thơm đáo để.
Với độ cao 1.600m, mù sương là chuyện bình thường ở huyện miền cao này | Công cụ cày bừa của người Mông: trông công phu và khác thường |
Hướng thứ hai từ Lào Cai xuống, cũng là đường đèo, nhưng dốc xuống thoai thoải dễ đi hơn. Đoạn này đi qua Than Uyên, nơi có những cô gái Thái trắng, đẹp như lan rừng.
Gọi là quốc lộ nhưng đường 32 từ Mường Lò qua Mù Căng Chải đến Than Uyên là đường đá lởm chởm, thường xuyên tắc đường vì sạt núi trong những ngày mưa. Đã nhiều lần Mù Căng Chải bị cô lập, mỗi lần trên nửa tháng.
Mùa thu hoạch, lúa được chở về trên chiếc xe bánh gỗ còn hết sức thô sơ do bò kéo | Trước đây, đa số nhà ở của người Mông lợp bằng gỗ. Đó là gỗ lấy từ cây pơmu và samu, một loại thông đặc hữu chỉ có ở vùng núi cao Tây Bắc (nay không còn nhiều) |
Gần huyện lỵ mới bắt đầu thấy nhiều ruộng bậc thang. Du khách có thể chụp ảnh, ngắm cảnh ở quãng đường 7km qua thị trấn huyện. Tuy nhiên, muốn thật sự được chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng tráng và thiên đường ruộng bậc thang thì phải lội bộ từ vài giờ đến... vài ngày bằng những con đường mòn băng qua các hẻm núi (xe đạp cũng chịu thua).
Cư dân Mù Căng Chải hiếu khách, nên bạn đừng ngạc nhiên nếu ai thấy mình cũng cười. Thịt heo, thịt gà ở đây vừa thơm vừa chắc thịt. Đặc sản quí giá nhất là chè Tuyết San, được hái từ những cây chè cổ thụ, nơi quanh năm sương tuyết. Bạn hãy thử mùi cho biết, vì về miền xuôi khó gặp được thứ thật (giá tại đây trên nửa triệu đồng một ký nhưng chỉ dành cho xuất khẩu).
KhámpháViệt sưu tầm