Khi đầu bếp, nghệ sỹ là … nông dân
Ra đời từ năm 2003 theo Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án tổ chức xây dựng bản văn hóa du lịch để phục vụ du khách tham quan, đến nay Điện Biên đã tổ chức, triển khai thực hiện xây dựng được tám bản văn hóa du lịch, gồm: Phiêng Lơi, Him Lam II, Noong Bua, Co Mỵ, bản Ten, U Va, Pe Luông, Bản Mển.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết: “Ngoài kinh phí hỗ trợ 1,3 tỷ đồng của tỉnh và các tổ chức doanh nghiệp hỗ trợ hơn 300 triệu đồng, người dân tám bản văn hóa tự nguyện đóng góp hơn 400 triệu đồng và gần 7.000m2 đất để xây dựng các công trình chung của bản.
Từ chỗ hiểu rõ ý nghĩa việc phát triển du lịch văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhiều gia đình đã chủ động cải tạo, nâng cấp và vệ sinh nhà ở, sản xuất hàng thủ công truyền thống, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo dựng lại một số lễ hội truyền thống để đón và phục vụ khách du lịch.
Mỗi khi có du khách đến bản , trưởng bản trực tiếp phân công người đón và phục vụ khách tại khu vực khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng (mỗi khuôn viên rộng khoảng 1200 m2). Thường ngày, sau khi hoàng hôn buông xuống, không khí tại các bản văn hóa lại trở nên sôi nổi bởi những lời hát, điệu xòe, các món ăn đặc trưng Tây Bắc hòa với niềm vui đến từ du khách.
Câu hát thay cho lời mời của những cô gái Thái đưa du khách đến với các món ăn dân tộc mang hương vị của núi rừng. Tất cả thực phẩm dùng để chế biến các món ăn, từ cây rau, cọng hành, đến các loại thịt, cá đều được nuôi trồng, chăm sóc bởi chính bàn tay của người dân địa phương.
Các món như: cá nướng, thịt gói lá nướng, măng rừng... được chế biến cầu kỳ cùng những gia vị không thể thiếu, chỉ có ở Tây Bắc như: chẳm chéo, mắc khén… chính là bí quyết làm nên nét riêng của ẩm thực tại các bản văn hóa du lịch. Trong men rượu, với những món ăn lạ miệng, được thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc, trong bếp lửa, tiếng nhạc, du khách và dân bản tay trong tay cùng hát múa, xóa mờ khoảng cách giữa khách và chủ.
Đến nay, mỗi bản văn hóa tự học hỏi và thành lập một đội văn nghệ từ 15 - 20 người, được lựa chọn từ những người có năng khiếu trong bản. Ban ngày họ là những người nông dân chân chất làm nương, chăn nuôi, trồng trọt, chiều về tập hợp lại và tự luyện tập, chỉnh sửa những làn điệu dân ca truyền thống. Đến với bản văn hóa du lịch, du khách không những chỉ được thưởng thức mà còn hòa mình vào dòng văn hóa ấy khi được mời trải nghiệm, thử sức cùng những lời ca, điệu xòe Tây Bắc.
Nhân rộng để phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, sáu tháng đầu năm nay, Điện Biên đón khoảng 188,5 nghìn lượt khách, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khách quốc tế đạt 36 nghìn lượt. Hàng nghìn lượt khách du lịch đến với bản văn hóa du lịch. Mô hình này ra đời đã đem về nguồn thu từ các dịch vụ được khoảng gần tám tỷ đồng.
So với thời gian và công sức bỏ ra, nguồn thu này còn khiêm tốn. Tuy nhiên, với người dân các bản văn hóa du lịch, mong muốn lớn nhất của họ là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Bắc và sự ham mê học hỏi, giao lưu với du khách thập phương.
Anh Quàng Văn Thương, Trưởng bản Mển cho biết, trung bình mỗi tháng, bản tiếp đón khoảng 15 đoàn khách đến tham quan. Vào mùa du lịch của Điện Biên (khoảng đầu mùa xuân khi hoa ban nở), hầu như ngày nào cũng có khách, thậm chí ngày nhiều có đến năm đoàn tới thăm bản. Mỗi mâm cơm du khách đặt có giá từ 600 – 800 nghìn đồng và khoảng hơn một triệu đồng cho chương trình văn nghệ. Số tiền lãi từ nguồn thu nhập này khi được chia đều cho các thành viên thì cũng chẳng đáng là bao, nhưng họ vẫn mê công việc này vì nó mang lại niềm vui cho cả bản.
Chị Lường Thị Thảo, một “ca sỹ” người dân tộc Thái ở bản Phiêng Lơi tâm sự: “Chính nụ cười, sự hứng khởi trên gương mặt mỗi du khách khi đến đây và lúc ra về đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để những người nông dân bản chúng tôi tiếp tục cố gắng để món ăn ngày càng ngon hơn, lời hát điệu múa ngày càng nhuyễn hơn”.
Năm 2011, UBND tỉnh quyết định phê duyệt đề án Xây dựng bản văn hóa dân tộc để phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2015. Theo đó, ngoài tám bản văn hóa du lịch của người dân tộc Thái, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư thêm mười bản của người dân tộc Mông, Khơ Mú, Hà Nhì… tại các huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé. Việc lựa chọn xây dựng thêm mười bản văn hóa du lịch này góp phần hình thành tuyến du lịch tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm thực tế các giá trị văn hóa, đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của các dân tộc trên địa bàn tỉnh./.