Bản trùm mền như một Đà Lạt bị bỏ rơi ở rặng núi bắc Tây Nguyên. Những ca rượu sắn ấm áp. Những của hồi môn chất đống ngoài trời. Khi thang đo lòng hiếu khách là những bậc thang vẹt mòn năm tháng, bạn sẽ tự nhủ: sao không quay lại nhỉ?
Say ở bản trùm mền
Gỗ hồi môn - quà cưới của cô dâu |
Để cho đỡ lạnh, phụ nữ trẻ em thường quấn một tấm vải gai dệt xen kẽ những hình khối hoa văn. Giống như những người da đỏ dưới chân rặng núi Apache, họ đi lại co ro, lặng lẽ nhưng liên tục suốt cả ngày lẫn đêm trên những con đường đất nối các ngôi nhà trong bản. Tấm vải ban ngày làm áo khoác, ban đêm làm mền đắp cho cả nhà.
Tên thật của bản là Đông Lốc, thuộc xã Đăkman, huyện Đăklei, tỉnh Kontum. Người bản Đông Lốc vốn là người Lào gốc Việt, hồi hương từ năm1984 và lập bản ở đây để tìm kiếm một cơ hội mới bên đường Trường Sơn.
Buổi chiều Đông Lốc, một ngôi nhà vừa tan một đám cưới và cả bản la đà say trong men rượu sắn. Những cụ bà ngồi lắc lư trên bậc thềm, rì rầm hát và hồi tưởng về những ngày xưa cũ, khi mình đã từng là cô dâu. Ngoài sân, những chàng trai vẫn còn đủ tỉnh táo để tiếp tục tiếp khách xa đến muộn. Chú rể một mình cần mẫn châm thêm củi vào bếp cho đỡ lạnh.
Đống củi chất cao ngoài sân là thứ tài sản quan trọng nhất do cô dâu đem về nhà chồng trong ngày cưới. Nhà nào cũng sẵn rượu làm từ sắn tươi nhổ trên rẫy về, luộc sơ, phơi chiếu lệ, ủ với lá rừng sau hai tuần là chiết ra uống. Và thế là bất cứ khách nào dừng xe vào bản, khó mà từ chối ca rượu đầy chủ nhà bưng ra mời.
Không chỉ ở tiệc cưới mà vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, gần như ở bất kỳ ngôi nhà nào trong bản, chủ nhà lúc nào cũng ngà ngà và đương nhiên không bao giờ chịu để cho khách tỉnh táo ra đi. Vào thăm năm nhà sẽ cùng chủ uống xong năm ca rượu mới được giã từ. Cả chủ lẫn khách chìm trong hơi men ngọt lịm. Họ uống cho đến lúc đỉnh núi Ngọc Linh nhạt nhoà, trôi dần qua bên kia dãy Trường Sơn.
Một không gian Đà Lạt bé nhỏ hoang sơ như bị bỏ rơi, đầy những đống củi thông khô nứt tách ra như hoa gỗ, món hồi môn ấm áp mà cô dâu muốn mang lại cho chồng, được chú rể hào hiệp nhóm lên đãi khách. Tập tục này ở Đông Lốc, cũng như thói quen trùm mền đi lại trong giá lạnh, là hàng độc, không xuất hiện ở bất cứ một bản làng nào khác của Tây Nguyên. Đơn giản vì nó được nhập khẩu từ Lào, theo chân một cộng đồng bé nhỏ người Việt hồi hương.
Những bậc thang hiếu khách
Trong vô số bản làng mọc chi chít dưới những thung lũng nối tiếp nhau giữa rặng núi kéo dài của đỉnh Ngọc Linh, có những ngôi làng nhỏ gần như biệt lập hoàn toàn với thế giới phồn hoa bên kia vách núi.
Những bản làng mà nếp sống vẫn còn giữ nguyên nhiều phong tục cổ xưa và hiện nay có lẽ là một trong những niềm kiêu hãnh của du lịch Kontum. Những bản làng với những ngôi nhà dài của người Bana lợp ngói âm dương, vách trát đất, bậc thang lên xuống được tạo từ một súc cây rừng đẽo gọt sơ sài.
Người Bana nói, hãy nhìn vết chân trên bậc thang nhà mình để biết bạn bè, lối xóm có mến mình không. Nghĩa là cầu thang phải vẹt mòn những bước chân khác nhau để đoán ngôi nhà nhiều hay ít khách. Vì thế mà người Bana ở dưới chân núi Ngọc Hồi thường vào sâu trong rừng để tìm gỗ cà chit rất chắc làm thang lên xuống, và nếu không có một sự cố nào đó, họ không bao giờ chịu thay cầu thang mới.
Làng bản kéo dài hai bên đường. Những bậc thang lúc nào cũng được giữ gìn kỹ lưỡng, luôn luôn mở ra trước những ô cửa thấp như một cánh tay rắn rỏi, kiên nhẫn: Hãy vào đây, ơi bạn! Nhưng chớ hấp tấp. Lần đầu leo lên những bậc thang hiếu khách thật không dễ dàng, không giữ được thăng bằng có khi không còn cơ hội để nếm rượu.
(Nguồn: Báo SGTT)