Cách thủ đô Hà Nội 130km theo tuyến Quốc lộ 6 Hà Nội - Tây Bắc, với độ cao từ 200m đến 1.500m so với mực nước biển, khí hậu Mai Châu mát mẻ, trong lành quanh năm.
Dân cư ở đây chủ yếu là người dân tộc Thái, Mường. Hệ thống giao thông thuận lợi, vẻ đẹp tự nhiên hiếm có, đã giúp Mai Châu phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái, văn hóa.
Dưới chân núi, những ngôi nhà sàn xen lẫn hàng cau thẳng đều tăm tắp; trong những ao cá kè đá, hoa súng nở rực hồng. Vào sáng sớm hay chiều muộn, từng lớp sương núi quyện vào khói bếp, tạo cho du khách cảm giác kì ảo. Mai Châu không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn hấp dẫn khách nước ngoài. Với những địa danh: bản Lát, Loọng Luông, suối nước nóng Xăm Khòe, hồ Tòng Đậu, trong năm 2006, Mai Châu đã tiếp đón trên 10.000 lượt khách tham quan, nghỉ ngơi, trong đó có 3.000 lượt khách nước ngoài.
Người Thái trắng ở Mai Châu làm du lịch ngay trong ngôi nhà sàn của mình, nhiều hơn cả là ở bản Lát và bản Poom Cọng. Nhà sàn ở đây cách mặt đất khoảng 1,5m, làm bằng những cột gỗ chắc chắn. Du khách đến nhà được mời múc nước rửa chân trước khi lên cầu thang. Sàn nhà làm bằng tre hoặc bương hay những tấm ván chắc chắn. Nóc nhà lợp lá gồi, lá mây hay lợp ngói. Cửa sổ trong nhà thường có kích thước lớn để đón gió mát, nơi để chủ nhà treo những lồng chim cảnh, giỏ lan. Một khung cửi dệt vải treo cạnh cửa sổ là nơi làm việc của những cô gái mới lớn. Những chàng trai chưa vợ chỉ cần nhìn giá xếp chăn, đệm, quan sát hoa văn, họa tiết trang trí... là có thể biết được tài khéo của các cô.
Du khách sẽ được chủ nhà mời ngồi trên chiếc chiếu hoa, uống rượu cần tuyệt ngon làm bằng lúa nếp, lá hính ho, ngực mèo, gừng, ăn xôi nếp. Thoáng qua những ô cửa là những chiếc ao nhỏ hình vuông, nước trong vắt, vài chú cá đang tung tăng bơi lội. Đặc sản Mai Châu nhiều và ngon, nhưng ngon hơn cả vẫn là xôi nếp và mật ong. Mật ong thì phải đợi đến mùa hoa mới có, ít và hiếm. Nhưng xôi nếp thì nhiều và sẵn, sau cuộc trò chuyện vui vẻ, thân mật, thế nào chủ nhà cũng mời du khách nếm thử. Xôi nếp Mai Châu nổi tiếng từ lâu. Nhà thơ Quang Dũng đã nhắc tới Mai Châu như một kỉ niệm, một nỗi nhớ “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Món cơm nếp trong ống lam lại càng thơm và dẻo.
Dọc lối đi trong bản, hàng thổ cẩm được bày bán rất nhiều, mầu sắc rực rỡ vui mắt, mang đậm dấu ấn văn hóa Thái, với rất nhiều loại: áo, khăn, ví, túi xách, mũ. Bên cạnh đó có nhiều hàng thủ công như giỏ, rổ, rá có nắp nhỏ. Du khách có thể mua một chiếc túi giỏ cua để đeo cổ hay một chiếc ví xinh xinh vui mắt chỉ với vài ngàn đồng. Cầu kì hơn, du khách có thể đặt vải tại bất kì khung cửi nào, chỉ vài tiếng sau, chiếc áo thổ cẩm độc đáo theo thiết kế riêng đã hoàn thành.
Buổi tối, du khách được hòa mình với cuộc sống con người nơi đây với những điệu xòe, lời hát, câu ca đậm đà bản sắc dân tộc Thái. Những cô gái bán hàng thổ cẩm, những bà chủ nhà bình dị, nhịp nhàng uyển chuyển hóa thân trong các bài hát, điệu xòe. Sau các điệu múa cồng chiêng, xòe giã gạo, xòe quạt, xòe với các dải lụa, khách được mời nhảy sạp. Đêm về, du khách được thưởng thức măng nướng, thịt heo bản nướng, gà gói lá dong, cá suối hấp. Say men rượu cần, say giọng hát thiết tha của người con gái Thái “ta xa nhau như quả chua xa muối/ ta xa nhau như thuyền xa bến/ ta xa nhau như mạ lạ bờ...”, họ chìm dần vào giấc ngủ có chăn thơm nệm ấm do bàn tay các cô gái trải mời.
(Nguồn: Báo Hà Nội Mới)