Đảo Lý Sơn cách cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) chừng 18 hải lý về hướng đông bắc. Du khách ra đảo không chỉ để ngắm trời mây mà còn thăm những di tích của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, thăm chùa Hang - một di tích lịch sử văn hóa và cũng để hiểu thêm về nghề trồng tỏi truyền thống của dân địa phương...
Một góc đảo Bé |
Từ cửa biển Sa Kỳ lên tàu cao tốc chạy chừng 30 phút là bạn đã có mặt ở huyện đảo Lý Sơn. Đảo rộng chừng 10 km2, nằm giữa bốn bề biển cả, trời mây, quanh năm dạt dào sóng vỗ. Ngày mưa gió, đảo chìm trong mưa. Nhưng rồi, khi trời yên, biển lặng, hòn đảo nhỏ lại tấp nập tàu thuyền từ đất liền đổ về đánh bắt hải sản. Những đêm tối trời từ đảo nhìn ra, những thuyền câu chong điện chẳng khác gì phố xá. Song đẹp nhất có lẽ là những đêm trăng vằng vặc đất trời, hòn đảo nhỏ ngập tràn ánh trăng. Nhưng, tất cả không chỉ có vậy!
Nhiều du khách tìm về đất đảo, ghé thăm những di tích để hiểu rõ hơn về công đức của tiền nhân, những người khai sinh ra đất đảo và những con em đất đảo từng tham gia đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa trong nhiều thế kỷ trước. Họ đã hiến dâng cả sinh mạng của mình cho chủ quyền tổ quốc Việt Nam.
Cho đến tận bây giờ dân đất đảo vẫn còn lưu truyền câu hát:
Hoàng Sa đi có về không
Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi
hay:
Chiều chiều ra ngóng biển khơi
Ngóng ai như ngóng đợi người Trường Sa
Chiều chiều ra ngóng biển xa
Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về...
Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: "Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy (tức đảo Hoàng Sa)". Họ ra đi làm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, nhặt hóa vật từ những con tàu đắm.
Tháng năm đi qua, nhưng trên đảo Lý Sơn hiện vẫn còn nhiều di tích về đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Đó là Âm linh tự - đền thờ âm hồn phối thờ những người lính Hoàng Sa bị tử nạn ở xã Lý Vĩnh. Trước sân đền có tháp hình trụ, mặt trước có khắc chữ “Chiến sĩ trận vong”. Hằng năm đến ngày 20-2 âm lịch, dân trên đảo thường tổ chức tế lễ tưởng nhớ các linh hồn.
Một góc huyện đảo Lý Sơn | Bên mộ cai đội Phạm Hữu Nhật |
Rời Âm linh tự, bạn có thể hỏi đường về nhà thờ họ Phạm ở thôn Đông, xã Lý Vĩnh. Ngôi nhà có kiến trúc một gian hai chái, thờ thỉ tổ dòng họ Phạm và các thế hệ của dòng họ này được phong làm cai đội phụ trách đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa như cai đội Phạm Quang Ảnh - người mà khi mất được triều Nguyễn phong thượng đẳng thần; cai đội Phạm Hữu Nhật với câu đối Trung can huyền nhật nguyệt. Nghĩa khí quán càn khôn (Lòng trung thành sáng tỏ như mặt trời, mặt trăng. Nghĩa khí bao trùm cả trời đất)...
Cũng như nhà thờ họ Phạm, nhà thờ họ Võ còn lưu giữ nhiều sắc phong, văn tự có liên quan đến đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa.
Sau khi đến thăm nhà thờ, du khách thường đến thắp hương miếu thờ cai đội Phạm Quang Ảnh - người chỉ huy đội Hoàng Sa (hay còn gọi là Dinh Bà Bìa) hay miếu thờ cai đội Võ Văn Khiết mà cư dân địa phương gọi là dinh Ông Thắm ở xóm Tò Vò thôn Tây, xã Lý Vĩnh.
Cũng nằm trong quần thể các di tích liên quan đến đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là những ngôi mộ gió được làm theo kiểu “u hồn đắp nấm” để tưởng nhớ những chiến binh Hoàng Sa tử nạn mất xác trên biển, mà đơn cử là ngôi mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh ở thôn Đông, xã Lý Vĩnh.
Thắp nén hương thơm trên ngôi mộ gió đơn sơ hòa trong cát, giữa sắc trời chiều du khách thường thấy lòng u hoài vì tưởng nhớ đến những người con của đất đảo ra đi mãi mãi không về...
Ra đảo trong ngày rằm tháng giêng, ngày mùng một, du khách cũng nên về thăm chùa Hang nằm sát mé biển, nơi đã được Nhà nước công nhận là di tích văn hóa quốc gia. Ở chùa Hang có tượng thờ đức Phật quan âm. Điều kỳ lạ là chùa Hang nằm sát mé biển nhưng trong hang có mạch nước ngọt trong vắt nhỏ từng giọt xuống lòng hang. Hứng nước bằng bàn tay để uống, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt và mát lạnh của dòng nước kỳ lạ.
Tỏi Lý Sơn xâu thành chuỗi sẽ là những món quà đẹp mắt |
Ra đảo Lý Sơn, nhiều du khách còn ghé thăm hòn Bé - tức xã đảo An Bình nằm cách đảo Lớn chừng 2 hải lý về phía Bắc. Ở đảo không hề có nước ngọt nhưng các cư dân trên đảo vẫn bám trụ quanh năm bằng cách hứng nước mưa hoặc tiếp nước ngọt từ đảo lớn qua. Thong thả ngắm rừng dừa xanh, theo lối mòn đi về phía bắc của đảo bạn sẽ chiêm ngưỡng những vách đá vôi bị nước biển xâm thực hàng nghìn năm tạo nên nhiều hình thù kỳ lạ.
Chưa hết, một trong những cái thú của du khách khi đến Lý Sơn là tìm hiểu về nghề trồng tỏi truyền thống ở địa phương, nghề đã khiến huyện đảo này có thêm mệnh danh là “vương quốc tỏi”.
Để có những củ tỏi thơm chứ không gắt, cư dân trên đảo hằng năm phải lên núi gánh đất đỏ pha sỏi đem về trải lên mặt ruộng rồi xuống mé biển gánh cát có lẫn vỏ san hô đem phủ lên mặt ruộng một lớp dày rồi mới xuống giống. Sau một mùa thu hoạch, thường lại phải bỏ công thay cát một lần.
Người phương Nam thường gọi tỏi Lý Sơn là tỏi Huế. Tỏi Lý Sơn theo những chuyến tàu khách vô đất liền, rồi từ đó ra Bắc vào Nam theo những chuyến xe hàng...
(Theo: Tuổi Trẻ)