Với ý nghĩa báo công, báo hiếu về đạo lý, cội nguồn của những người còn sống đối với người đã khuất như thực hiện lễ tảo mộ tại các nghĩa địa, cúng tại gia mời ông bà tổ tiên về với con cháu… Đồng bào Chăm có truyền thống văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện qua tiếng nói, chữ viết, kiến trúc, điêu khắc, văn hóa dân gian… Trong đó, nét đặc trưng độc đáo của nghệ thuật dân gian Chăm là lễ hội, tết như: Lễ Rija Nưrgar, Lễ hội Tháp PôDam, tết Katê của đạo Bàlamôn. Đặc biệt, tết Ramưwan mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo (Bà Ni).
Cứ đến những ngày cuối tháng 8 lịch Hồi, đồng bào Chăm Hồi giáo (Bà Ni) ở các làng lo sắm các lễ vật để chuẩn bị cho lễ tảo mộ. Lễ tảo mộ là một phong tục rất quan trọng, một phần thuộc về tôn giáo, phần còn lại thuộc về tín ngưỡng dân gian. Đó là sự tưởng niệm biết ơn tổ tiên và dòng tộc cũng như tâm linh của mọi người trong cộng đồng, không phân biệt đẳng cấp, tầng lớp. Lễ tảo mộ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu vào những ngày cuối của tháng cũ và kết thúc vào ngày đầu tiên của tháng Ramưwan. Khunhrak là nghĩa địa của đồng bào Chăm Hồi giáo (Bà Ni) thường ở rất xa nơi cư trú, địa hình cao ráo và sạch sẽ. Đường đến nghĩa địa phải đi qua con sông, được bắt nguồn từ con sông Lũy kéo dài. Khi lễ tảo mộ đã hoàn tất, mọi người ai về nhà nấy để chuẩn bị các lễ vật cho việc cúng ông bà, tổ tiên và mừng năm mới./.