Tuy nhiên, nghi lễ không được tổ chức thường xuyên mà chỉ khi gia đình có người ốm đau hay chủ nhà nằm mơ thấy linh hồn người chết về đòi trâu "nhù" thì chủ nhà sẽ đi nhờ một thầy cúng trong làng xem giúp, nếu quả thực bố mẹ về đòi trâu thì gia đình mới tổ chức lễ cúng, nên nhiều khi con qua đời mà chưa tổ chức lễ "Nhù đăng" cho bố mẹ được thì đến đời cháu phải trả nợ thay.
Lễ cúng được tổ chức vào ngày con Rồng, ngày con Trâu, kiêng tổ chức vào những ngày trùng với ngày mất của bố mẹ, ông bà trong gia đình… Gần đến ngày tổ chức, chủ gia đình đi mời anh em, họ hàng, bạn bè, bà con làng xóm về dự lễ cúng với gia đình, đồng thời mời người ban tang lễ đã giúp gia đình tổ chức lễ cúng. Lễ cúng diễn ra trong hai ngày với nhiều nghi lễ khác nhau như: nghi lễ mời linh hồn người chết về thăm lại nhà, nghi lễ giao trâu cho người chết ngoài bãi và cuối cùng là nghi lễ tiễn biệt linh hồn người chết lần cuối. Để tổ chức lễ cúng, gia đình nhờ anh em đi chặt tre, mượn trống về treo trong nhà để gọi linh hồn người chết. Mỗi dòng họ lại có cách treo trống khác nhau, có dòng họ treo trống ở một nửa vách nhà, có dòng họ treo theo chiều ngang của gian giữa, cách treo trống trong đám ma khô và ma tươi cũng khác nhau.
Ở đám ma khô, dưới chân cột trống họ lấy một chiếc chổi, một con dao, một cái xẻng, một cái búa, một chiếc xà beng buộc vào chân cột trống và một đống than hồng đổ vào dưới mang ý nghĩa tượng trưng cho các công cụ san gạt đường đón linh hồn người chết về nhà. Sau khi treo trống xong, người con dâu trong gia đình sẽ đi lấy hai bộ váy áo mới, dùng khăn vấn tròn vào váy tạo thành một hình nộm rồi đem vắt lên một chiếc giá tre để làm bàn thờ với ý nghĩa tượng trưng cho linh hồn người chết về thăm lại nhà. Bên dưới dùng một ván gỗ đặt hai cây "sình tờ" (đồng âm dương), một chiếc đèn và một quả trứng bổ đôi, một chiếc chén làm bàn thờ để gọi người chết về ăn cơm.
Anh em, họ hàng về dự lễ đều mang theo một chai rượu, một gùi thóc, vài thếp giấy tiền, một bó củi hoặc vài chục nghìn để làm lý phúng viếng người chết và giúp đỡ gia đình. Khèn, trống đánh thổi suốt đêm để mua vui cho linh hồn người chết, đến sáng sớm hôm sau, họ làm lễ đưa linh hồn người chết ra ngoài bãi mổ trâu. Lễ cúng ngoài bãi được tổ chức ở một bãi đất rộng, thoáng đãng, gia đình nhờ người dựng một chiếc lán, trên lợp bằng cỏ gianh, trong lán đặt một ván gỗ làm bàn thờ. Đồng thời, dựng một chiếc giá bằng tre để treo hai chiếc áo tượng trưng cho linh hồn người chết ngự trong đó. Bên cạnh lán, họ dùng tre, cỏ gianh buộc vòng quanh tạo thành một hình nộm, giống hình người, bên trên hình nộm có cài các con dao gỗ với ý nghĩa là người canh giữ, bảo vệ cho người chết. Phía trước lán họ dựng một cây cột treo trống và cọc buộc trâu, bên cạnh là vị trí bếp đun. Ở ba vị trí là cột treo trống, lán thờ và bếp đun dựng một cây trúc, có treo một con chim gỗ với ý nghĩa để canh giữ bảo vệ đám không cho các loại ma khác đến phá rối…
Đối với người Mông, dù gia đình giàu, hay nghèo thì cũng không thể bỏ qua nghi lễ này, bởi có ý nghĩa rất quan trọng đối với gia đình, không chỉ về đạo đức, xã hội mà còn mang đậm yếu tố tín ngưỡng tâm linh, thể hiện tình cảm tri ân giữa người sống với người đã mất./.