Bên cạnh các nghi thức tri ân Ðức Tổ nghề Lê Công Hành và các thế hệ nghệ nhân đã có công lao gây dựng, phát triển nghề thêu, lễ hội năm nay còn mang nhiều ý nghĩa với chủ đề nổi bật, tôn vinh đạo lý truyền thống của dân tộc: trung, hiếu, lễ, nghĩa.
Là một nhánh của nghề thêu truyền thống Việt Nam, nghề thêu tranh nghệ thuật XQ Việt Nam được gây dựng và lưu truyền từ các thế hệ nghệ nhân thêu cung đình Huế. Bắt đầu khôi phục lại nghề từ những năm 80 và phát triển, mở rộng trong những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay các nghệ nhân, nghệ sĩ XQ đã có những sáng tạo, nâng cao kỹ thuật nghề, đưa những sản phẩm thêu tay trở thành các tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, đạt tới độ điêu luyện với các thể loại như: tranh thêu hai mặt, tranh thêu nổi, tranh thêu kính... Nghề thêu tranh nghệ thuật từ Ðà Lạt đã được XQ Việt Nam mở rộng đến nhiều nơi trong cả nước, tập trung chủ yếu ở các thành phố và trung tâm văn hóa, du lịch lớn, tạo việc làm cho nhiều người lao động, trong đó phần lớn là phụ nữ đến từ các làng nghề thêu cổ truyền.
Cùng với công cuộc "phục hưng" nghề thêu, cải tiến và sáng tạo kỹ thuật thêu, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tiếng vang ở trong nước và ngoài nước, XQ Việt Nam cũng chú trọng đào tạo nghề, giáo dục truyền thống, nâng cao niềm tự hào và trình độ cảm thụ thẩm mỹ ở các nghệ nhân, thợ thêu, truyền vào họ nhiệt huyết để mỗi tác phẩm dưới bàn tay họ trở nên sống động, chuyển tải được những cảm xúc và tình yêu của họ với thiên nhiên, con người. Lễ hội Giỗ Tổ nghề thêu truyền thống hằng năm chính là một trong nhiều sự kiện và hoạt động văn hóa, nghệ thuật của các nghệ nhân, nghệ sĩ XQ gắn với nghề thêu và người phụ nữ, tôn vinh và giúp xã hội hiểu, nhận thức đầy đủ cũng như cảm thông với người phụ nữ làm nghề thêu, bằng lao động nghệ thuật cần cù, kiên trì và sáng tạo của mình đang hằng ngày làm đẹp cho đời, quảng bá văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Theo ông Võ Văn Quân, người sáng lập XQ Việt Nam, nghề thêu tranh Việt Nam đang có được một vị thế vững chắc trên thị trường thế giới, mang bản sắc riêng độc đáo, thể hiện được sâu đậm văn hóa, nghệ thuật dân tộc, được thị trường các nước ưa chuộng. Nhiều du khách, sinh viên các trường nghệ thuật, họa sĩ và rất đông phụ nữ các nước châu Âu, Mỹ, Ô-xtrây-li-a đã liên hệ và đến XQ Sử Quán Ðà Lạt để xin được "nhập môn" theo học nghề thêu tranh bằng tay của nước ta. Hiện tại, XQ Việt Nam đang dạy thêu tranh cho khoảng gần 50 phụ nữ là người nước ngoài tại trung tâm làng nghề XQ Sử Quán Ðà Lạt.
Năm nay, lễ Giỗ Tổ nghề thêu sẽ chính thức diễn ra trong ba ngày từ 28 đến 30/7, thu hút hơn 2.000 nghệ nhân, thợ thêu trong cả nước về dự hội. Lễ Giỗ Tổ nghề có nghi thức dâng hương trang trọng và thành kính tại Nhà thờ Ðức Tổ nghề thêu của các nghệ sĩ, nghệ nhân và thợ thêu. Với chủ đề tôn vinh chân giá trị đạo hiếu trong con người Việt Nam, nhất là trong những nghệ nhân thêu, Lễ Giỗ Tổ nghề sẽ có nghi lễ dâng "Quả phúc tổ tiên" về đền các vị tổ nghề thêu và nghi lễ thay "áo sống - áo chết" tưởng nhớ những người phụ nữ làm nghề thêu. Bên cạnh đó là nghi lễ tôn vinh những người thợ thêu lớn tuổi tại khu phố "Tóc bạc" của XQ Ðà Lạt Sử Quán đã góp nhiều công sức bảo tồn, phát huy giá trị của nghề thêu truyền thống, trao truyền nghề dân tộc một cách tinh tế nhất cho các thế hệ sau. Ngoài các hoạt động tôn vinh nghề thêu, còn có hai chương trình ẩm thực dành cho công chúng tham dự, đó là chương trình ẩm thực "Con đường gia vị Việt Nam" dành để trưng bày các loại gia vị hiện có của nước ta, đồng thời dùng chính các loại gia vị đó chế biến những món ăn đặc sắc nhất của ba miền đất nước. Một chương trình ẩm thực khác có tên gọi "Ai gọi tên anh trên cánh đồng hoa" dành để giới thiệu các món ăn tinh tế của vùng đất Ðà Lạt thơ mộng đầy hoa với thiên nhiên tươi đẹp, khoáng đạt... Trong khi đó, chủ đề "Dạ khúc màu lam và vàng" sẽ là một đêm hội với các nghi lễ tôn vinh người phụ nữ Việt Nam và trao giải cho du khách tham dự cùng lễ "Dâng áo choàng thêu" cho thần bảo hộ phụ nữ nghề thêu. Chương trình cuối của lễ hội Giỗ Tổ là giới thiệu về dự án "Học viện Hoàng Triều" như một chương trình "Giã bạn" trong Lễ hội. Ðây là dự án nghiên cứu về nghề truyền thống, đào tạo kỹ thuật, khả năng thẩm mỹ và văn hóa dân tộc cho những người phụ nữ yêu thích nghề thêu và nghệ thuật Việt Nam. Trong thời gian diễn ra lễ hội Giỗ Tổ nghề thêu, tại khuôn viên XQ Ðà Lạt Sử Quán sẽ triển lãm những tác phẩm tranh thêu "Tri kỷ hữu" tại khuôn viên vườn Thiên nhai Tri kỷ hữu. Ðây là những bức tranh thêu cỡ lớn được thực hiện theo kỹ thuật thêu hai mặt, mô tả các loài hoa mà những người bạn của XQ đã chọn theo từng tháng, mang đặc trưng của TP hoa Ðà Lạt. Sau nghi thức rước tranh hoa là phần hội bình chọn, công bố và trao giải "Ðạo trung - Ðạo hiếu" cho các em nhỏ là con của những người thợ thêu đạt thành tích "con ngoan, trò giỏi".
Ðà Lạt, xứ sở hoa, đã và đang được nhắc đến như một thành phố của tranh thêu nghệ thuật và lễ hội Giỗ Tổ nghề thêu của các nghệ sĩ, nghệ nhân, thợ thêu XQ như một điểm nhấn thể hiện đậm nét đạo lý dân tộc về đạo hiếu, biết ơn với các thế hệ đi trước./.