Đây là lần thứ hai tôi có dịp dự lễ hội đền Bà Men, sau lần đầu tiên vào năm 2010. Ấy vậy nhưng thật lạ là trong tôi còn nguyên cảm giác háo hức khám phá. Vẫn trong đợt rét đậm, sương mù bảng lảng trên mặt Vịnh Hạ Long như khói. Rét tê tái. Chiếc xuồng công tác của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long lướt trên mặt vịnh. Gió thổi ù ù buốt tai.
Bà Men là một ngôi đền nhỏ nằm trên một bãi cát tương đối rộng ven đảo đá, cách hồ Ba Hầm khoảng 500m theo đường chim bay và cách đất liền khoảng hơn 30km. Đây cũng là nơi giáp ranh giữa di sản Vịnh Hạ Long với bên kia là huyện Cát Bà (Hải Phòng).
Chuyện kể rằng, xưa có người đàn bà tên tục là Men đi biển không may chết đuối. Xác bà trôi về đây. Ngư dân thương cảm mới vớt đem mai táng và lập ngôi đền nhỏ để thờ. Từ đó, hễ ai có việc cần kêu cầu lên đền thảy đều linh ứng, mọi việc thuận lợi. Tàu bè qua lại nơi đây đều ghé lên đền thắp hương, họ gọi đây là Cửa Bà. Từ nguồn công đức của du khách thập phương, ngày nay ngôi đền đã được tôn tạo lại, hệ thống sân, kè đá vững chãi đủ chống chọi với sóng gió những ngày biển động.
Khác với các lễ hội trên bờ, lễ hội đền Bà Men gần như không có ban tổ chức đúng nghĩa - tức có đại diện các đoàn thể, chính quyền, cơ quan chức năng - ở đây ban tổ chức chỉ có… 1 người, ấy là ông thủ nhang của đền. Đã gần 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Miên, 61 tuổi, ngư dân làng chài Cao Minh, Cát Bà (Hải Phòng) tự nguyện làm người “vác tù và hàng tổng” toàn tâm, không một chút vụ lợi. Vì vậy mà người dân các làng chài rất quý, tuân theo mọi điều hành của ông.
Ngay từ sáng sớm ngày 18 tháng Giêng, tàu bè của ngư dân Hạ Long và Cát Bà đã neo đậu trật tự ngay trước cửa đền. Các gia đình, hội Phật tử, du khách dâng hương hoa lễ vật lên đền. Thay cho các hình nộm voi, ngựa, xe như người ở trên bờ, người ta dâng lễ vật vào đền là hình nộm con tàu, thuyền, với mong ước một năm đi biển gặp mọi sự thuận hoà, bình yên. Việc dâng lễ diễn ra từ sáng 18 cho đến trưa hôm sau.
Gần trưa ngày 19 tháng Giêng, thuyền bè lớn nhỏ tụ tập trước cửa đền. Mọi người háo hức chờ đợi giờ phút cuộc thi bơi chải giữa các làng chài. Theo lệ mọi năm, tham gia cuộc thi gồm có 4 đội chải gồm Cống Đầm - Vung Viêng, Cửa Vạn, Hà Nam (hồ Ba Hầm) và Cao Minh (Cát Bà). Mỗi chải gồm 14 tay chèo và 1 người cầm lái. Đường đua dài khoảng 500m, điểm xuất phát từ trước cửa đền. Các chải sẽ đua 2 vòng, chải nào về đích trước sẽ thắng.
Anh Nguyễn Văn Vượng, con trai ông Nguyễn Văn Cho - người đã “lên báo chí” khá nhiều trong việc lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống làng chài Cửa Vạn cho biết: Hồi trước khó khăn, chúng tôi đua toàn bằng thuyền nan. Nom ngộ lắm. Nay có chải đúng quy chuẩn mới ra vẻ lễ hội. Tiếc là năm nay Cửa Vạn chúng tôi và Cống Đầm không đủ quân đua nên phải bỏ cuộc - Anh ngư phủ Cửa Vạn tiếc rẻ.
Mặc dù chỉ có hai chải tham gia nhưng cuộc đua không vì thế mà kém phần quyết liệt. Vì ngư dân các làng chài ăn hai bữa chính trong ngày vào khoảng 9 giờ và 16 giờ nên cuộc đua được tổ chức vào 13 giờ. Hai bên đường đua, cổ động viên của hai đội đứng trên các tàu, thuyền phất cờ, đánh trống hò reo vang động. Nói là trống thực ra là các phuy nhựa, thậm chí vung nồi cũng được huy động. Theo quan niệm của ngư dân các làng chài, làng nào giành chiến thắng trong đua chải thì năm ấy người dân trong làng đi biển gặp nhiều may mắn. Bởi thế ai cũng cố gắng để mang chiến thắng về cho làng.
Sau cái phất cờ lệnh của ông Miên, hai chải lập tức vùn vụt lao về phía trước. Những ngư phủ trai trẻ vung mạnh tay chèo, nhịp nhàng trong tiếng còi thúc của người cầm lái. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng cuối cùng, các tay đua của làng Cao Minh đã phải chịu thua những ngư dân Hà Nam mạnh mẽ, mưu mẹo hơn. Cổ động viên nhảy cả xuống biển ôm lấy người thắng trận quên cả ướt và trời đang lạnh.
Lễ trao giải diễn ra ngay tại sân đình. Không màu mè, ông Miên chân đất, quần xắn... móng lợn mộc mạc vài lời phát biểu và trao 4 triệu đồng cho đội thắng, 3 triệu đồng cho đội thua. Các “chèo thủ” hai đội cũng bắt tay nhau vui vẻ, hẹn đến mùa hội sang năm đua tài.
Ngay sau lễ hội kết thúc, cả làng chài Hà Nam tụ lại liên hoan mừng chiến thắng trên hai chiếc tàu lớn đỗ song song. Một số cán bộ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và tôi được coi như là “khách quý” được mời dự, chia vui. Ông Nguyễn Văn Bút cho biết, ngày mai, sau lễ cúng tạ, cả làng sẽ lại ăn cơm “đoàn kết” ngay tại sân đền. Năm nào cũng vậy, mục đích để tăng tình đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau giữa các gia đình...
Thật thú vị, Quảng Ninh có rất nhiều lễ hội nhưng có lẽ chỉ có lễ hội đền Bà Men mới có những nét độc đáo nhất, thú vị nhất đó là sự gắn kết chặt chẽ trong việc tổ chức của ngư dân hai tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng dù đền nằm trong ranh giới của TP Hạ Long, hơn nữa trưởng ban tổ chức là người... Cát Bà. Năm nay, các lực lượng cảnh sát giao thông thuỷ Công an tỉnh, phường Hùng Thắng và TP Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã có mặt tích cực hỗ trợ, giám sát từ đầu đảm bảo để lễ hội diễn ra an toàn, trật tự. Điều đáng tiếc có chăng chỉ là lễ hội chưa được du khách đến tham quan Vịnh Hạ Long biết đến.