Trước ngày tổ chức lễ cúng, già làng cùng các thầy mo trong làng họp bàn chọn ngày tổ chức, chọn thầy cúng chính và bầu hai gia đình trong làng làm chủ cúng. Theo phong tục của người Thu Lao, hằng năm đều cử hai gia đình làm chủ cúng, là người có trách nhiệm bảo vệ khu rừng cấm của làng. Chủ cúng được bầu theo hình thức luân phiên giữa các gia đình trong làng. Bên cạnh đó, làng sẽ chọn một thầy cúng giỏi, có uy tín trong cộng đồng, gia đình êm ấm, hạnh phúc, có đủ con trai, con gái và chưa từng vi phạm hương ước của làng.
Lễ cúng chính thường được tổ chức vào ngày mùng 02/02 hoặc mùng 02/6 âm lịch. Khi mặt trời bắt đầu mọc, thầy cúng chính, thầy cúng phụ cùng với hai gia đình được bầu mang lễ vật, nồi niêu, xoong chảo đến địa điểm tổ chức lễ cúng của làng. Còn các gia đình sẽ đến muộn hơn. Ngày lễ cúng rừng, mỗi gia đình cử một người đi đại diện, nhưng phải là con trai, còn con gái tuyệt đối không được tham gia. Trước khi đến địa điểm tổ chức, thầy cúng cùng mọi người phải kiêng cho thân thể được sạch sẽ, phải mặc đúng trang phục truyền thống, không được mặc các loại áo sáng màu vì sợ các vị thần rừng phạt. Riêng hai thầy cúng trước khi đi phải đun một nồi nước lá thơm để rửa mặt, chân tay cho sạch sẽ. Mỗi làng của người Thu Lao đều có một khu rừng cấm, hay còn được gọi là khu rừng thiêng. Ngày thường, các gia đình trong làng kiêng không được chặt cây, lấy củi, chăn thả trâu, lợn và làm những điều không sạch sẽ trong khu rừng này, vì họ sợ làm ảnh hưởng đến vị thần rừng và bị thần rừng trừng phạt. Chỉ đến ngày làng tổ chức lễ cúng thì mọi người mới tập trung tại khu rừng cấm để phát quang các cây bụi, dây leo xung quanh gốc cây thờ. Trong khu rừng, người Thu Lao chọn hai gốc cây to làm hai ban thờ được gọi là cây bố và cây mẹ.
Lễ vật dâng cúng các vị thần trong lễ cúng rừng của người Thu Lao gồm: 2 con gà trống trưởng thành (kiêng gà trắng) - một con để cúng ở cây bố, một con để cúng ở cây mẹ; 1 con lợn đực 25 - 30 kg , 1 sải vải trắng, 2 chai rượu, vài nén hương. Ngoài đồ lễ chung, đại diện mỗi gia đình khi lên rừng cấm còn mang thêm rượu để cùng nhau uống trong bữa liên hoan cộng đồng. Ngoài ra, những người chuẩn bị cũng mang theo một bát gạo nếp để nấu cơm cúng. Củi đun sẽ được lượm từ những cành cây khô trong rừng cấm (củi trong rừng cấm chỉ được sử dụng để nấu đồ cúng rừng trong dịp này). Các thành viên tham gia bữa ăn sau lễ cúng đều mang theo mỗi người một gói cơm, một chai rượu để cùng ăn (không tính vào đồ lễ cúng).
Sau khi lễ vật được chuẩn bị xong, thầy cúng chính và thầy cúng phụ đọc bài cúng gọi các thần rừng cùng các loại ma về nhận lễ rồi phù hộ cho dân làng làm ăn gặp nhiều may mắn. Trong lúc thầy cúng đang hành lễ, mọi người dân trong làng chăm chú nghe thầy cúng và đặc biệt kiêng những người lạ đến tham gia lễ cúng, nếu có người khác dân tộc tham gia thì tuyệt đối không được nói vì sợ phá vỡ sự linh thiêng của lễ cúng, sẽ bị các vị thần rừng trừng phạt. Sau lễ cúng, họ mang thực phẩm chế biến thành các món ăn trong ngày lễ. Trước khi mọi người ngồi vào mâm, thầy cúng sẽ nhắc nhở mọi người về những điều kiêng kỵ, cấm lý và ý thức bảo vệ khu rừng cấm của làng, nếu ai vi phạm sẽ bị làng phạt bằng số lễ vật dâng cúng các vị thần.
Tàn cuộc rượu, mọi người ra về nhưng không ai quên dành một phần thức ăn về cho gia đình cùng vui hưởng lộc của thần rừng. Sau đó, nhà nào cũng làm các loại bánh, mổ gà cúng tổ tiên. Và cũng từ ngày đó, người ta chơi trong ba ngày. Trong ba ngày này, nam nữ thanh niên, trẻ em trai gái đều diện những bộ quần áo mới, tham dự các trò chơi truyền thống, như ném còn, đu quay, đánh quay, đánh én… tạo không khí nhộn nhịp trong ngày lễ./.