Rất nhiều nghệ nhân của làng nghề làm nhà lá bằng dừa nước ở rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam) đã ăn nên làm ra bằng chính nghề gia truyền của mình.
Và vui hơn nữa khi rừng dừa Bảy Mẫu đã được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Quảng Nam, góp phần đưa thương hiệu, sản phẩm làng nghề vượt khỏi lũy tre làng đến nhiều vùng đất xa hơn...
Bây giờ, kinh tế khá giả, người người làm nhà kiên cố thì nhà dừa lại là “mốt”, như một sự điểm xuyết là lạ, một “thú chơi” dân dã giữa những “nhà cao cửa rộng”. Nhà dừa cũng có nhiều cái lợi. Nhà dừa có thể làm dịu mát cái nắng nóng, mùa mưa chống lạnh rất hiệu quả. Vì vậy, vài năm trở lại đây, nhiều khách sạn, nhà hàng sang trọng trong cả nước đặt nhà dừa trong khuôn viên để nghỉ ngơi, làm resort.
Anh Võ Tất Thắng (thôn 2, Cẩm Thanh), một trong những người trẻ tuổi ở làng giàu lên nhờ nghề này cho biết: Mấy năm gần đây nghề này cũng ăn nên làm ra. Người làm công cắt lá, chặt dừa thì cũng kiếm được chừng 50.000 đồng/ngày. Muốn làm được 1 tấm dừa thì mất khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Giá 1 tấm dừa 5 nẹp chừng 50.000-80.000 đồng. Người già, trẻ em, phụ nữ sức yếu thì chỉ cần nhận làm những thứ đơn giản như vậy rồi giao cho những chủ cơ sở lớn. Người giỏi nghề, có sức khỏe thì nhận theo hợp đồng làm nhà với giá 350.000-370.000 đồng/m2 đối với loại trang trí kép, đẹp và chừng 120.000 đồng/m2 đối với các mẫu trang trí đơn giản.
Tại cơ sở của anh Thắng hiện có chừng 10 lao động làm thường xuyên với mức lương 1,2 triệu-1,6 triệu đồng/tháng/người. Bên cạnh đó, anh còn nhận nhiều hợp đồng về và giao lại cho người dân trong làng làm gia công.
Theo ông Lê Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, nghề làm nhà dừa nước được xem là một trong những nghề truyền thống lâu đời của Cẩm Thanh. Trong vòng 6 năm trở lại đây, nhu cầu làm nhà dừa nước rất nhiều, người dân ở đây trở nên khấm khá hơn nhờ nghề. Nhiều nhà có thu nhập khoảng ba đến bốn trăm triệu đồng/ năm nhờ cái nghề này.
Làng nghề ngày càng hồi sinh, nghệ nhân trong làng đã biết đoàn kết lại làm ăn. Đội ngũ chuyên làm nhà lá dừa nước ở Cẩm Thanh bắt đầu tổ chức hoạt động theo kiểu nhóm, đội để chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Mỗi thợ chính kèm theo 10-15 thợ phụ. Nếu có công trình, đội thợ đó sẽ được tập hợp lại và lên đường...
Đến tận nơi khách đặt hàng, tìm hiểu vị trí, tư vấn kiểu mẫu. Sau khi thỏa thuận, người thợ đo vẽ, ghi chép thông số rồi về làm tại xưởng. Sau khi xong, vận chuyển đến tận nơi ráp lại thành nhà. Nếu công trình lớn thì sẽ phân chia lại cho các vệ tinh trong làng cùng làm, cùng hỗ trợ nhau có thêm thu nhập.
(Theo báo Văn Hoá)