Bàu Trúc, một trong hai làng gốm cổ xưa nhất ở Ðông Nam Á, vừa được tỉnh Ninh Thuận công nhận là một trong bốn làng cổ của tỉnh, có kế hoạch bảo tồn và phát huy thông qua mở mang du lịch.
Lâu nay, ngày càng đông du khách bốn phương biết tiếng làng gốm cổ Bàu Trúc, nên đã tìm đến thưởng ngoạn ngôi làng độc đáo chỉ cách thị xã Phan Rang-Tháp Chàm 10 km về hướng nam, thích thú xem cách thức làm gốm còn giữ được nhiều nét xa xưa, ngắm những bộ sưu tập về sản phẩm với đủ hình, đủ loại từ giá rẻ bất ngờ đến hàng cao cấp đắt tiền không thấy có ở nơi nào khác trên thế giới.
Trong khi nhiều làng gốm lâu đời mai một thì Bàu Trúc có đến 85% trong số 400 hộ vẫn thủy chung với nghề của vị Tổ xa xưa Pô Klong Chan, cố giữ cho nó sắc thái nguyên chất gốm cổ truyền. Vì thế mà gốm thương phẩm Bàu Trúc đi ra thị trường thế giới đều đều, đem lại cho dân làm gốm thu nhập bình quân mỗi hộ sáu đến mười triệu đồng/tháng.
Đến tham quan làng gốm Bàu Trúc, chúng ta sẽ thấy: Quanh nghệ nhân chỉ toàn những vòng tre, ít vỏ sò, không hề sử dụng bất cứ dụng cụ nào khác; chẳng hạn như: bàn xoay là thứ thấy la liệt ở các làng gốm khác. Những kiểu dáng vật phẩm, những đồ họa tạo hình khắc vạch và đắp nổi... vẻ như đã sống, vẫn sống cuộc sống riêng của chúng trong xa xôi ký ức, tự nó dẫn dắt đôi bàn tay khéo léo của người thợ...; vì vậy mà mỗi sản phẩm gốm luôn mang tính nghệ thuật, bởi sự đơn chiếc, không lặp lại, mang cảm hứng và cá tính sáng tạo của từng nghệ nhân, từng người thợ làm ra nó.
Những nồi to niêu nhỏ, trã, chõ, ấm, lò (than, củi)... Những lu, khạp, "khương" cỡ lớn đựng nước ăn... Chủng loại không nhiều, nhưng kiểu dáng, kích cỡ, họa tiết, màu sắc... thì thật lắm vẻ. Mầu đất nguyên, qua lửa thì óng chuốt, có độ lấp lánh không kém phủ men. Nhờ "hỏa biến" (biến đổi không thể lường trước qua nung), mà sản phẩm cũng đủ mầu: vàng đỏ, đỏ hồng, đỏ đậm, nâu sẫm, xám bóng, nâu đen bóng...
Ðất đai vùng Bàu Trúc từ xa xưa đã dành sẵn cho cư dân kho báu để khai sinh và nuôi sống nghề gốm; đó là mỏ đất, mỏ cát riêng biệt mà chỉ phù sa sông Quao mới có: Ðất mịn, dẻo lạ lùng; cát cũng rất mịn, hạt nhỏ li ti. Mỗi thứ đồ gốm, tùy công năng mà pha trộn cát với đất, nhưng trộn với tỷ lệ cát cao nhất, hàng gốm ra lò vẫn bóng mịn, hầu như không sản phẩm nào rạn, nứt. Còn những lu, khạp cỡ đại đựng nước ngọt, thì dân khắp vùng duyên hải miền trung rất chuộng hàng Bàu Trúc, bởi mùa hè nóng như thiêu như đốt, để lu nước trong nhà mái tôn đi nữa, nước trong lu vẫn mát.
Khi đến Bàu Trúc, nếu du khách muốn tự tay mình làm ra một sản phẩm, người dân nơi đây rất sẵn lòng hướng dẫn: Du khách sẽ bắt đầu từ việc đập đất khô cho tơi, sàng lọc, pha cát, lấy chân nhồi đất cho nhuyễn rồi cuộn thành từng lọn, sau đó mới nặn thành hình thô của sản phẩm và chà láng bằng vải thấm nước; trang trí hoa văn bằng que để vạch, bằng in vỏ sò hay hoa khô, rồi nhuộm lớp ngoài cùng (nhuộm áo) bằng màu thực vật chiết từ trái dông, trái thị trên rừng; cuối cùng sẽ hoàn thiện bằng cách cạo cho mỏng thân và cho nông đáy gốm... (Có thứ sản phẩm nghệ nhân "nhuộm" áo vào đồ gốm sau khi đã nung lần đầu, rồi nung tiếp). Khi đã hoàn tất các khâu này, du khách sẽ nung lộ thiên bằng củi, trấu, rơm rạ, phân trâu, bò khô vào buổi chiều gió nhẹ (lửa cháy ngược chiều gió).
(Nguồn: Báo Nhân Dân)