Lắc là một huyện thuộc tỉnh Ðắc Lắc, nơi có bộ đàn đá cổ đầu tiên được tìm thấy, quê hương của những điệu múa, điệu khan trữ tình. Lắc còn là tên của một hồ nước gắn với nhiều huyền thoại.
Lắc - vùng đất huyền thoại đã làm say lòng không biết bao nhiêu du khách. Lắc còn được biết như là một vùng văn hóa đặc sắc với cây đàn đá cổ truyền của đồng bào Tây Nguyên.
Bộ đàn đá cổ được tìm thấy đầu tiên ở Việt Nam do nhà dân tộc học người Pháp Condominas phát hiện ở làng Ndúc Liêng Cơ-ran Lắc ngày 5-2-1949, được công bố ngày 21-6-1950 ở Paris. Hiện nay, bộ đàn đá được lưu giữ ở bảo tàng Louvre (Pháp).
Huyền thoại về Lắc không chỉ hiện ra trước mắt chúng ta, nó còn được thể hiện qua những câu chuyện cổ truyền miệng từ đời này sang đời khác. Không tin, bạn cứ thử đến Lắc một lần, bất cứ người dân nào cũng có thể kể cho chúng ta nghe về những cuộc giao tranh ác liệt giữa rồng và lươn từ ngày xửa ngày xưa.
Câu chuyện bắt đầu từ một sự bất hòa giữa nước và lửa, chúng đánh nhau dữ dội suốt bảy mùa rẫy mà vẫn bất phân thắng bại. Khi chúng rút đi, hạn hán kéo dài, con người không có nước để uống, không có lửa để nướng thức ăn, hạn hán cứ thế kéo dài qua nhiều mùa rẫy. Tại các buôn làng, ngày nào cũng có các chàng trai khỏe mạnh đi vào rừng sâu tìm nước. Trong đoàn người đi tìm đó có hai anh em tên là Y Lắc và Y Liêng. Cha mẹ họ đã mất từ lâu, được dân làng giúp đỡ giờ đây họ là con em của buôn làng, nên họ quyết tâm tìm cho được nước.
Nhờ sự giúp đỡ của Yang (thần), họ đi tìm cây mơ ô và những dòng nước đã xuất hiện, kèm theo nước là một chú lươn nhỏ. Họ mang nước và lươn về nhà nuôi, lươn lớn rất nhanh, từ chỗ nó ở trong nồi đất, rồi chuyển sang ở nồi đồng, tiếp đó chuyển sang ở chiếc ché lớn. Nó lớn đến nỗi hai anh em phải đào hố cho lươn ở. Nhưng rồi hố cứ phải đào rộng ra mãi, hố càng rộng thì nước lại càng nhiều, dân làng tha hồ dùng nước, nỗi vui mừng hiện ra trên khuôn mặt của người già, của lũ con trai, con gái. Biết được điều ấy, lươn nói với hai anh em làm giúp cho mình một cặp sừng để mình có thể đào hố rộng thêm nữa. Nhờ có cặp sừng, lươn đào được một cái hố rộng, nước trong xanh, dân làng vui mừng bao nhiêu thì lươn cũng được bơi lội thỏa thích bấy nhiêu. Một hôm, có một con rồng bay ngang hố nước của lươn và lũ làng, trông thấy hồ nước rộng, rồng nảy sinh ý định muốn chiếm hồ. Một trận giao tranh ác liệt giữa rồng và lươn đã diễn ra làm nước trong hồ cuồn cuộn nổi lên, mù mịt cả bầu trời. Rừng núi ầm ầm rung chuyển. Trận giao chiến xảy ra bảy ngày, bảy đêm ấy đã để lại một cái hồ rộng, với đồi, núi và đất, và những hòn cù lao lúc chìm, lúc nổi giữa mặt hồ. Sau cùng nhờ sức của hai anh em Y Lắc và Y Liêng, con rồng đã bị giết, và lươn đã được cứu. Hồ nước trở lại trong xanh. Tên của người anh từ đó được dân làng đặt tên cho hồ là hồ Lắc.
Về bên hồ Lắc, bạn nghe kể chuyện xưa, du thuyền độc mộc trên hồ, hay đủng đỉnh cưỡi voi dạo quanh hồ, rồi một đêm bên ché rượu cần, nghe các chàng trai cô gái múa hát, người già kể khan, ăn cơm dẻo thơm, thưởng thức món chả cá đặc sản, món ốc hấp gừng cay thật thú vị. Nếu có thêm âm thanh của đàn đá chắc có lẽ vùng đất huyền thoại này càng trở nên kỳ ảo.
Lắc - quê hương của những "đinh puốc pá", các điệu múa "công tua" trữ tình, các điệu khan, các bài "tăm pớt"; quê hương của những câu chuyện cổ và nhiều truyền thuyết, huyền thoại của cư dân bản địa. Rừng mai vàng ở Lắc được nhiều người biết một thời đẹp đến ngút mắt; những buôn làng tựa dáng hình cổ tích. Hồ Lắc non xanh nước biếc làm xao động bao lứa đôi, bao nghệ sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ. Cùng với biệt thự tuổi hơn nửa thế kỷ trên đồi đất cao, điểm du lịch buôn Giun, rồi căn cứ cách mạng Ðác Phơi, những nét văn hóa truyền thống của cư dân £ Ðê, Mơ-nông đã thu hút ngày càng đông du khách.
(Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam)