Sơn Mộc Hương hay còn gọi là Hang dơi Mộc Châu-cái tên đã trở nên quen thuộc từ lâu với nhiều du khách khi đến thăm Mộc Châu, Sơn La. Đó là một tác phẩm nghệ thuật, một danh thắng quốc gia mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất cao nguyên Mộc Châu .
Từ thị trấn Mộc châu, ngược đường lên thị xã Sơn La khoảng 300 m, Hang dơi ở phía núi bên tay phải, cách quốc lộ 6 khoảng 150 m. Cửa hang quay về hướng nam nhìn xuống thung lũng lớn, ở gữa thung lũng lớn gồm bảy quả núi nhỏ tựa như bảy viên ngọc.
Tương truyền thuở xưa có một con rồng bay về phương nam. Khi bay qua vùng đất này, vì khí hậu gió rét rồng không chịu nổi đã gục ngã tại nơi đây. Trước khi chết rồng nhả ra bảy viên ngọc và hóa thành dãy núi đá, bảy viên ngọc hóa thành bảy quả núi. Ngày nay rồng vẫn quay đầu về phía bảy viên ngọc như còn nuối tiếc ngày nào.Vào cửa hang ta thấy như vào miệng một con rồng khổng lồ. Lối vào hai bên tựa như hai mép rồng. ở giữa cửa ta thấy một hòn đá nhô ra tựa như lưỡi rồng. Hàm rồng trên (tức trần hang) như một mái che thiên tạo, cao và rộng thoải dốc vào trong. Nền hang (tức hàm rồng dưới) rất phẳng và đủ chỗ cho hàng trăm người vào tham quan.
Trong hang một cách sắc diệu kỳ, từ trần hang rủ xuống những dải nhũ thạch lấp lánh đủ bảy sắc cầu vồng. Nhiều khối ngũ đá từ trên trần hang chảy xuống nền hang cao tới hơn 20m như những dễ cây đa cổ thụ rủ xuống mặt đất. Ngoài ra còn rất nhiều nhũ đá mang dáng cây đồng tiền, cây thóc, hình ông tiên, cô tiên, con voi, sư tử, hổ, kỳ đà, đại bàng và cả những đám mây bay lượn. Với tư cách nhìn giàu tưởng tượng du khách có ngay những nhũ đá để đặt tên. Mỗi tên gọi đều là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tài hoa của tạo hóa mà không một bàn tay nào của con người có thể thay thế được. Đường nét những nhũ đá như những nét trạm trổ vừa phóng khoáng vừa tinh xảo, sống động huyền ảo. Các cửa hang 50 m rộng khoảng 800 m2 vòm hang có chỗ cao hơn 30 m, có hình tròn. Ở chính giữa nền hang có một số hồ khô nước, rộng chừng 200 m2, giữa hồ có con rùa bằng đá to lớn. Bờ bên trái của hồ khối thạch nhũ hình đôi trai gái đang quấn quýt bên nhau. Theo truyền thuyết có hoàng tử con vua Thuỷ Tề đem lòng yêu mến công chúa trên đất liền. Hoàng tử đã lấy rùa của Vua cưỡi nổi lên đất liền để thăm công chúa. Không muốn con mình lấy người trên đất liền, nhà vua giận dữ đã ra lệnh cho thuỷ thần rút hết nước để hoàng tử không có đường về thuỷ cung. Hoàng tử vẫn quyết tâm lấy người mình yêu. Đôi trai gái đó đã biến thành đá để chứng minh cho tình yêu của họ trở lên vĩnh cửu. Rùa thấy hoàng tử có tình yêu son sắt như vậy, cũng biến thành đá ở lại với hoàng tử và người con gái. Mặc dù giận hoàng tử nhưng vua vẫn tạo điều kiện cho cuộc sống của con trai mình lên trước khi nước rút hết, đất đai quanh hồ được tạo thành những ruộng nước, có hồ nước nhỏ ở ngay bên phải hồ nước cạn và các con vật để hoàng tử có cuộc sống mới.
Với sự độc đáo huyền ảo của hang, rất nhiều du khách đến thăm nơi đây đã để lại nhận xét: " Đây là hang đẹp nhất phía tây" " Tây thiên địa nhất động ". Di tích đã được Bộ văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia.
(Nguồn website du lịch Sơn La)