Trong những năm gần đây, hình thức du lịch cộng đồng đang khởi sắc và là một trong những mô hình được nhân rộng ở vùng Tây Bắc nước ta.
Du lịch cộng đồng là phương thức phát triển du lịch trong đó cộng đồng dân cư là chủ thể trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch. Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà còn tạo điều kiện cho người dân tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ, gìn giữ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái.
Với vẻ đẹp nguyên sơ và hùng vĩ, Tây Bắc là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Nơi đây cũng nổi tiếng với tài nguyên nhân văn phong phú với các khu di tích lịch sử đã được xếp hạng, với vốn văn hóa truyền thống của 30 dân tộc anh em. Rồi Ðiện Biên với quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ, cánh đồng Mường Thanh; các lễ hội Xên bản, Xên mường, Cầu mưa, Cơm mới... Tây Bắc cũng là vùng đất có nền sản xuất nông nghiệp phong phú: chăn nuôi bò sữa, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, trồng cây ăn quả, chế biến chè và các lâm sản khác. Du khách đến Tây Bắc còn được hòa mình vào nền văn hóa nghệ thuật và nếp sống nhân văn, thưởng thức các món ăn dân tộc như đặc sản cơm lam, thịt nướng, rượu cần; tham gia đêm hội xòe và ngủ nhà sàn dân tộc. Có thể nói, các yếu tố văn hóa vật thể cùng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc thật sự là tài sản vô giá, là tiềm năng to lớn để chúng ta có thể khai thác phát triển du lịch cộng đồng.
Sapa mờ trong sương |
Cao nguyên Mộc Châu |
Hiện nay, một số điểm du lịch ở Tây Bắc đã và đang thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước là Sa Pa, Bắc Hà (Lao Cai); TP Ðiện Biên Phủ, U Va (Ðiện Biên); Bản Hin, Nhà tù Sơn La, Cao nguyên Mộc Châu (Sơn La); Hồ Thác Bà, Di tích Căng và đồn Nghĩa Lộ, Suối Giàng (Yên Bái); hồ Sông Ðà, Mai Châu, Kim Bôi (Hòa Bình)... Hầu hết các điểm du lịch này đã có những thay đổi tích cực và rõ rệt trong đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư địa phương.
Đêm hội xòe - rượu cần |
Nhà sàn người Thái |
Nhiều sản phẩm nông - lâm và thủ công nghiệp do dân cung cấp được tiêu thụ mạnh, tạo hình ảnh độc đáo về bản sắc cộng đồng trong lòng du khách, đồng thời tạo nguồn thu đáng kể, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Các dân tộc Thái, Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì, La Chí, La Ha, Lự... là những cộng đồng dân cư đã tham gia trực tiếp vào hoạt động này. Bằng sự khéo léo và cần cù, họ đã chuyển các giá trị văn hóa, tinh thần thành sản phẩm du lịch, tạo ra quá trình xuất khẩu tại chỗ thông qua việc cung ứng các dịch vụ phục vụ du khách.
Quá trình ấy cũng đồng thời góp phần đẩy nhanh thay đổi về lối sống, nếp nghĩ, phép ứng xử cũng như cách thức làm ăn trong các cộng đồng dân cư. Tất nhiên, cần hết sức lưu tâm tới những mặt trái của hoạt động này, vì nó có thể làm thay đổi môi trường xã hội, văn hóa và tự nhiên. Ðặc biệt, du lịch phát triển cũng đồng nghĩa với nguy cơ "mờ đi" của bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, bởi sự mới mẻ, khác lạ trên nhiều phương diện mà du lịch đem tới. Ðây là một thực tế đã được cảnh báo, đòi hỏi trước hết những người làm công tác quản lý du lịch cần hết sức quan tâm.
Phiên chợ vùng cao |
Nhiệm vụ cơ bản của những người trực tiếp hoạt động du lịch cộng đồng là giới thiệu cho du khách về nếp sống, văn hóa và các phong tục tập quán của nhân dân các dân tộc; phát huy và khai thác các điều kiện tự nhiên cơ sở vật chất, nguồn lực của nhân dân, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa do dân bản sản xuất ra phục vụ khách du lịch, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho dân bản; bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như tài nguyên du lịch, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng nhằm xóa đói, giảm nghèo mà chủ thể là cộng đồng các dân tộc bản địa.
Phát triển nghề truyền thống |
Ðó cũng chính là quá trình xây dựng thôn, bản văn hóa, khôi phục lễ hội truyền thống và nghệ thuật dân gian tiêu biểu; phát triển làng nghề gắn với du lịch như dệt, đan, chế tạo nhạc cụ, sản xuất hàng lưu niệm..., đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách.
Ðiều đó có nghĩa là bản thân dân cư dân tộc thiểu số tại tuyến du lịch, khu du lịch và điểm du lịch phải là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong việc tuyển chọn nhân lực hoạt động du lịch, không chỉ ở địa phương mà cả vùng. Có như vậy, đội ngũ lao động này mới gắn bó lâu dài với du lịch, với quê hương, cộng đồng của mình. Cũng từ đó, ý thức trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa bản địa cũng như bảo tồn các giá trị tài nguyên tự nhiên trong họ mới sâu sắc và cụ thể.
(Nguồn Lenduong.vn)