Festival dân ca ví, dặm xứ Nghệ lần thứ nhất, sẽ diễn ra vào tháng 6-2012.
Nguồn cội
Những năm gần đây, khi Liên hoan Tiếng hát Làng Sen trở thành lễ hội cấp quốc gia, khách hành hương trong và ngoài nước về thăm viếng Khu di tích Kim Liên, quê nội, quê ngoại Bác Hồ, được biết thêm nét đẹp văn hóa truyền thống có bề dày nghìn năm của xứ Nghệ. Đấy là sinh hoạt của Câu lạc bộ hát dân ca ví, dặm ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, một trong số 45 câu lạc bộ hát dân ca của tỉnh Nghệ An.
Ông Trần Văn Tân, gốc người Kim Liên đã xấp xỉ 90 tuổi, người sốt sắng bảo tồn dân ca xứ Nghệ, duy trì câu lạc bộ ví dặm Kim Liên từ nhiều năm, có thể kể vanh vách các điệu thức: Dặm kể, dặm ru, dặm nối, dặm cửa quyền. Đầu Xuân Nhâm Thìn, chúng tôi đến thăm ông, được nghe ông hát minh họa từng lời dặm cho khách hiểu tường tận nhịp phách, tiết tấu, âm tiết năm, sáu, bảy chữ. Ông nói: "Nếu điệu ví cất lên nghe man mác, bâng khuâng, xao xuyến, day dứt, ân tình thì điệu dặm lại thiên về tự sự, nỗi niềm, mạch lạc và kết cấu hoàn chỉnh một trường đoạn. Đây là yếu tố cơ bản để khi phát triển dân ca ví, dặm thành kịch hát, hoạt cảnh sân khấu hiện đại cho phép tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên khai thác và sáng tạo làn điệu và dân ca Nghệ Tĩnh theo cảnh cũng như tình huống sân khấu. Vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, kịch chèo "Cô gái Sông Lam" đã được chuyển thể thành vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh cùng tên đã được quần chúng rất yêu thích. Trước đó là "Hai tổ hò khoan", "Chiếc xe đầu", "Khi ban đội đi vắng", "Không phải tôi", "Trước lúc lên đường" còn được người xem nhắc mãi... Mới đây, vở "Tiếng hát rừng vải" cũng được công chúng ghi nhận với những tích, trò dân gian và điệu ví, dặm thân thương. Những nghệ sĩ tài danh như Song Thao, Xuân Năm, Bích Việt, Danh Cách, Thu Hiền, Thanh Lữ một thời vang bóng đều gắn bó máu thịt với dân ca Nghệ Tĩnh, đã đem lời ca, tiếng hát dân ca của mình phục vụ nhân dân…
Đối đáp ca Nghệ Tĩnh.Xuân Nhường |
Ngược thời gian, từ thuở ấu thơ, đêm thanh gió mát, dưới tán cau tỏa hương ngào ngạt, Bác Hồ từng háo hức nghe trai gái làng Kim Liên hát ví phường vải. Lúc theo cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc lên Nguyệt Bổng (huyện Thanh Chương) dạy học, gặp gỡ nhân sĩ đàm luận thời cuộc, Bác Hồ lại được nghe điệu ví đò đưa trôi man mác, thao thiết trên chuyến đò "ngược Lường"…
Nhà cách mạng nổi tiếng Phan Bội Châu, sĩ phu yêu nước Vương Thúc Quý khi ở quê nhà từng là thầy dạy hát ví, đặt lời dặm lưu loát, hóm hỉnh, thông minh cho trai gái Nam Đàn đối đáp. Bà Hà Thị Hi, người thân thích của Bác Hồ từng được vinh danh là "Bà Chúa Đèn", có công gìn giữ dòng dân ca ví, dặm xứ Nghệ từ thế kỷ 18. Bà là linh hồn, trùm trò các phường hát, phường vải, ví dặm nổi danh khắp Nghệ An, Hà Tĩnh. Bà được vinh danh "Bà Chúa Đèn" bởi khi hát bà đội đĩa đèn đốt bằng dầu lạc, hai tay uyển chuyển diễn tả sinh động nội dung lời hát mà ngọn đèn vẫn lung linh tỏa sáng trên đầu. Dân ca xứ Nghệ, với các điệu ví phường vải, ví đò đưa, ví phường cấy, ví trèo non, ví phường chè, ví đồng ruộng… qua bao biến cố thăng trầm thời cuộc vẫn tràn trề sức sống.
Di sản của nhân dân
Ông Tạ Quang Tâm, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: "Ví, dặm là một phần đặc biệt của văn hóa xứ Nghệ. Với hơn 40 làn điệu và luôn được phát triển, sáng tạo, dân ca ví, dặm luôn hiện hữu trong cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hóa của người dân xứ Nghệ hàng ngàn năm nay. Từ năm 1998, hát dân ca đã được đưa vào trường các trường học tỉnh Nghệ An, đạt kết quả tốt. Năm 2000, Trung tâm Bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ được thành lập, đi vào hoạt động có hiệu quả".
Festival dân ca ví, dặm xứ Nghệ-2012 sẽ được tổ chức từ cơ sở với hình thức các câu lạc bộ hát dân ca tổ chức theo cấp huyện, cụm, đến cấp tỉnh. Một vấn đề quan trọng trong Festival dân ca ví, dặm xứ Nghệ là việc tái hiện, phục dựng môi trường, không gian diễn xướng, đồng thời, xử lý vấn đề trang phục của các nghệ nhân bảo đảm tính lịch sử, văn hóa và phù hợp với tính chất của ngày hội văn hóa… Mong muốn của người dân xứ Nghệ, đây là "bước đệm" quan trọng để Nghệ An trình UNESCO công nhận ví, dặm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nghệ sĩ ưu tú Song Thao bày tỏ rằng, do điều kiện gia đình, đã nhiều năm nay bà không còn hát nữa, vì thế bà rất mong UBND tỉnh tổ chức Festival thành công, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Xuân Đường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Festival dân ca ví, dặm xứ Nghệ nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có và giá trị tiêu biểu các thể hát dân ca ví, dặm xứ Nghệ; thông qua hoạt động Festival giới thiệu quảng bá hình ảnh của Nghệ An và Hà Tĩnh với bạn bè trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp để tái tạo lại các không gian diễn xướng dân ca xứ Nghệ ở nhiều nơi, kể cả dân ca nguyên hợp và dân ca phát triển, tạo thành các mô hình điển hình gắn với việc xây dựng nông nghiệp và nông thôn mới, nuôi dưỡng các thế hệ nghệ nhân dân gian nòng cốt trong các CLB dân ca xứ Nghệ; là bước chuẩn bị quan trọng để trình tổ chức UNESCO công nhận dân ca ví, dặm xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.