Mũi điện Khe Gà (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam) cách Phan Thiết gần 30km về hướng tây nam. Ở đây nổi tiếng vì có ngọn hải đăng cao nhất nước
Ngày xưa chỉ cách bờ một khe suối nhỏ, nhưng nay mũi đất này bị cô lập hoàn toàn với đất liền, hóa thành ốc đảo chênh vênh. Đứng trên đỉnh hải đăng, du khách có thể khoan khoái thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ kỳ lạ của vùng biển nam Bình Thuận.
Biển Tân Thành chan chứa nét hoang sơ |
Mũi điện Khe Gà rộng 5ha. Dù có nhiều tên gọi khác nhau: Kê Gà, Ké Gà, Khe Gà, Khê Gà, nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi là Khe Gà. Theo người dân xã Tân Thành, trước đây nơi này là đất liền và đảo chưa tách rời, ở giữa có một khe suối, gà rừng thường kéo nhau ra đây uống nước, kiếm ăn nên cái tên Khe Gà xuất phát từ đó.
Khe nước chia cách đảo nhỏ với đất liền |
Khu vực mũi Khe Gà là vị trí cực kỳ nguy hiểm trên bản đồ hàng hải từ Phan Rang đến Vũng Tàu. Ở đây có nhiều bãi đá ngầm ẩn mình như thần chết rình rập. Những thế kỷ trước, nhiều tàu buôn phương Tây từng gặp nạn ở vùng biển này. Để đảm bảo hoạt động hàng hải, tháng 2-1897 người Pháp cho xây dựng một ngọn hải đăng nằm trên mũi đất Khe Gà. Năm 1898, công trình được khánh thành. Đến năm 1900 ngọn hải đăng chính thức phát tín hiệu hướng dẫn tàu thuyền.
Ngọn hải đăng hơn trăm tuổi |
Hải đăng được xây bằng đá. Tháp đèn hình bát giác, cao 66m so với mực nước biển. Trong đó chân hải đăng cách mặt biển 25m, phần tháp cao 41m. Từ chân tháp lên đỉnh được nối bởi 184 bậc thang bằng thép cứng. Hằng đêm ngọn đèn biển 2.000W, qua hệ thống lăng kính, phát ánh sáng xa đến 22 hải lý báo hiệu cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Xây dựng chủ yếu bằng đá hoa cương nên hải đăng Khe Gà được xem như một tác phẩm kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử ở Bình Thuận.
Mặc dù sách quảng bá du lịch Bình Thuận giới thiệu nhiều về ngọn hải đăng Khe Gà, nhưng đến nay vẫn chưa có tour nào thiết kế đến điểm du lịch hấp dẫn này. Du khách đến đây hoàn toàn tự phát. Muốn ra đảo nhỏ du khách phải thuê thuyền của ngư dân với sự cho phép của đồn biên phòng. Phí vận chuyển cũng không đắt lắm, mỗi chuyến ra vào chi phí 300.000 - 350.000 đồng dành cho cả đoàn khoảng 10 người.
Du khách lạ lẫm với những ghềnh đá chênh vênh |
Mặc dù vất vả nhưng chuyến du ngoạn mũi điện Khe Gà thật sự thú vị. Trước mắt bạn là ốc đảo chênh vênh, cách bờ chừng 250m. Ngọn hải đăng 108 năm tuổi đứng sừng sững thách thức bão tố, phong ba. Lắc lư trên mặt sóng, chiếc thuyền gỗ chầm chậm đưa những con người xa lạ đặt chân lên ốc đảo. Sau 20 phút, bạn đã được tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí của cảnh vật nơi đây.
Trước khi chinh phục ngọn hải đăng, du khách phải vượt qua nhiều bậc tam cấp dưới chân hải đăng ngan ngát mùi hương hoa sứ. Trên đảo nhỏ này hoa sứ được trồng chủ yếu vì cây sứ có sức chịu đựng nắng gió tốt.
Nhà làm việc của cán bộ hải đăng |
Vào trong lòng tháp hải đăng, vượt qua 184 bậc thang xoắn ốc, từ đỉnh tháp, bồi hồi khoan khoái trước gió biển rười rượi, có thể ngắm nghía những ghềnh đá chênh vênh bao quanh ốc đảo. Trong ánh mắt xa xăm, người lữ khách tìm về thiên nhiên với tiếng sóng vỗ rì rào cùng sắc màu nên thơ của biển.
Trước biển mênh mông, con người trở nên nhỏ bé.
Bậc thang hình xoắn ốc với 184 bậc |
Khi đến Bình Thuận, nếu chỉ ghé qua thủ đô resort Hàm Tiến - Mũi Né mà không ghé qua mũi điện Khe Gà thì quả là uổng phí. Mũi điện Khe Gà có nét đẹp riêng như một nàng tiên đang ẩn mình bên khe suối. Khe Gà vẫn đang đón chờ những ai muốn khám phá nét đẹp hoang sơ nơi vùng biển lạ. Những tâm hồn khao khát hòa mình với thiên nhiên hãy một lần ghé thưởng ngoạn Khe Gà.
(Nguồn LenDuong.VN - Theo TTO) |