Ngày 27/11/2008 tới, UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), Ban quản lý Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) sẽ tổ chức Lễ ra mắt Khu bảo vệ Hệ sinh thái biển Rạn Trào. Đây là một mô hình khu bảo vệ biển do chính địa phương quản lý lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.
Rạn Trào nằm trong khu vực biển thuộc vịnh Vân Phong, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Với diện tích 25ha, rạn san hô này có tầm quan trọng đặc biệt đối với cộng đồng ngư dân trong xã. Từ năm 2000 trở về trước, đây được xem là ngư trường khai thác hải sản của nhóm ngư dân nghèo trong xã, giúp một bộ phận ngư dân duy trì cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, hoạt động khai thác thủy sản quá mức cùng với phương pháp khai thác mang tính hủy diệt đã làm suy giảm các nguồn lợi, đặc biệt một số rạn san hô như rạn Cạn, rạn Sụn…gần như biến mất. Trong bối cảnh đó, được sự cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và với sự trợ giúp về kĩ thuật, tài chính của MCD, dự án thí điểm xây dựng Khu bảo vệ biển Rạn Trào đã được hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2001.
Tuy chưa nằm trong hệ thống các khu bảo tồn biển của quốc gia, song điểm độc đáo của Khu bảo vệ biển Rạn Trào ở chỗ đây là một mô hình khu bảo vệ biển do chính địa phương quản lý lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Các khu bảo vệ biển do địa phương quản lý (LMMA) khác với những hình thức quản lý từ trên xuống ở 3 điểm quan trọng
Trước hết, các LMMA thừa nhận động lực lớn nhất để bảo tồn các nguồn tài nguyên biển thường xuất phát từ những người phụ thuộc nhất vào những nguồn tài nguyên đó. Do vậy các LMMA đều dựa vào sự định hướng của địa phương. Bên cạnh đó, các LMMA nỗ lực tìm cách bù đắp chi phí bảo tồn biển bằng những lợi nhuận do chính hoạt động đó sinh ra. Điểm khác biệt quan trọng nữa là các LMMA thực hiện vai trò quản lý biển không chỉ thông qua những khu bảo vệ nghiêm cấm khai thác mà còn thường xuyên kết hợp nhiều hoạt động khác như tạm ngừng đánh bắt cá, hạn chế ngư cụ và những dự án tạo thu nhập thay thế, từ đó đưa ra cách tiếp cận quản lý năng động hơn.
Tại Khu bảo vệ biển Rạn Trào, các hoạt động quản lý diễn ra hàng ngày được một nhóm các thành viên nòng cốt của cộng đồng giám sát, trong khi đó, các quyết định quản lý do Ban đồng quản lý gồm các thành viên là đại diện từ cấp cộng đồng đến cấp huyện đưa ra.
Sau 7 năm hoạt động, Khu bảo vệ biển Rạn Trào đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ và trở thành mô hình điểm về ứng dụng cách tiếp cận LMMA trong công tác quản lý tài nguyên biển tại Việt Nam và được một số địa phương khác (Quảng Nam, Ninh Thuận) học tập và làm theo. Những thành quả này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ghi nhận và đã ra Công văn 4671 quyết định chính thức khoanh vùng Rạn Trào làm khu bảo vệ hệ sinh thái biển và giao cho Ủy ban nhân dân huyện Vạn Ninh phối hợp với các sở, ban, ngành và cộng đồng địa phương quản lý.
(Nguồn: Website QĐND)
Khám phá Việt Nam
- Tour đi Hạ Long - Tuần Châu - Cát Bà
- Tour đi Sapa - Bắc Hà - Hà Khẩu
- Tour đi Huế - Đà Nẵng - Hội An
- Tour đi Nha Trang - Đà Lạt - Tây Nguyên
- Tour xuyên Việt từ Hà Nội
- Tour du lịch biển - nghỉ dưỡng
- Tour du lịch cuối tuần - mua sắm
- Tour khởi hành hàng ngày
Khám phá thế giới
- Tour đi Trung Quốc đường bay
- Tour đi Trung Quốc đường bộ
- Tour đi Hongkong - Macau
- Tour đi Thái Lan
- Tour đi Malaysia - Singapore
- Khám phá Đông Dương
- Hành trình Đông Nam Á
- Tour đi Nhật Bản
- Tour đi Hàn Quốc
- Tour đi Châu Âu - châu Mỹ
- Tour đi Châu Úc - châu Phi