Từ năm 1904, người Pháp đã xây trên sườn núi cao 300m ở Mũi Dinh (Ninh Thuận) ngọn hải đăng, từ đó đến nay đêm nào nó cũng đỏ đèn, nhấp nháy để báo hiệu cho tàu thuyền vị trí chuyển hướng quan trọng trên đường ra Bắc vào Nam.
Tuy không ở trên đảo xa nhưng Mũi Dinh cũng heo hút và vắng bóng người. Muốn đến Mũi Dinh phải đi bộ chừng gần 10km ven biển, sau đó leo núi, đường dốc ngoằn ngoèo cả tiếng đồng hồ. Bù lại, cái mà Mũi Dinh có thể “chiêu đãi” khách đầu tiên là gió. Vì nằm ở vị trí có thể hứng cả gió Tây Nam lẫn Đông Bắc nên mùa nào gió kéo qua đây cũng lên đến cấp 7. Gió rít qua các khe cửa hú lên những tràng dài suốt đêm. Trong ngôi nhà có tường dày nửa mét theo phong cách kiến trúc của người Pháp với những chiếc cửa cao, hành lang dài hun hút, tiếng gió hú gợi lên cảm giác thật lạ.
Suốt đêm, ngọn hải đăng lặng lẽ quét những luồng sáng dài trên mặt biển. Khi đứng ở hải đăng ta mới thấy được luồng sáng này; còn khi ở xa, trong vòng bán kính 60km, các tàu đi biển sẽ thấy ngọn đèn nhấp nháy như một vì sao theo chu kỳ 20 giây. Ngày xưa, lúc chưa có máy phát điện, hải đăng Mũi Dinh thắp bằng đèn dầu và vòng kính hội tụ xoay bằng một quả tạ nặng chừng 10kg được nhân công kéo lên, quả tạ rơi xuống sẽ làm đèn xoay. Hải đăng được dân đi biển gọi bằng cái tên thân thương là “mắt biển”.
Đứng trên “mắt biển” Mũi Dinh thấy trời biển sao sáng lung linh. Đèn tàu thuyền nhấp nháy kỳ ảo để các tàu lưu thông trên biển bắt được tín hiệu, từ đó xác định được vị trí mình đang ở hải phận nào. Nếu đèn gặp sự cố thì tàu thuyền sẽ mất phương hướng, vì thế mà dù “cô đơn” và nhàn rỗi giữa biển khơi nhưng những người gác hải đăng vẫn đêm ngày bám trụ để giữ ngọn đèn luôn sáng.
Khung cảnh nhìn từ ngọn hải đăng |
(Nguồn Lenduong.vn)