Vô hình Vịnh Hạ Long trở thành một vùng cửa khẩu sôi động với nhiều bến cảng, điểm giao hàng hoá mọc lên và ở một số điểm trọng tâm, sự ra đời của bến cảng còn kéo theo sự ra đời, hình thành nên các giá trị văn hoá, tín ngưỡng. Một trong những điểm tiêu biểu là đảo Cống Đông, Cống Tây, về hành chính nay là xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn - nằm cách Cảng tàu Bãi Cháy 40km.
Đảo Cống Đông, Cống Tây nhìn trên bản đồ gần giống như cặp bánh mỳ nằm song song theo hướng tây bắc - đông nam, là đỉnh phía đông trong tam giác vùng bảo vệ tuyệt đối Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Kẹp giữa hai đảo là một dải nước như một vụng biển khá rộng và sâu, rất thuận lợi cho việc đỗ thuyền và vận chuyển hàng hoá lên xuống. Từ đây, thuyền bè có thể thuận lợi đi vào đất liền hay ra các đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng phía ngoài.
Trong khoảng 40 năm trở lại đây, qua nhiều đợt khảo sát, nghiên cứu và khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện dọc chiều dài hai bên bờ của hai đảo Cống Đông và Cống Tây, dày đặc các mảnh sành, đồ gốm men Việt Nam và đồ gốm sứ Trung Quốc có niên đại kéo dài từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII. Ở những vụng to, nhỏ ăn sâu vào lòng đảo, các mảnh gốm sứ cổ ken dày lớp lớp cho thấy đây là các bến bãi cổ của hệ thống Thương cảng Vân Đồn xưa. Đầu năm 2004, khi xếp hạng di tích thương cảng cổ Vân Đồn, ban đầu Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) đã cấp bằng công nhận di tích cho đảo Cống Đông. Thấy vậy, nhân dân xã đảo Quan Lạn đã “đấu tranh” và kết quả là Bộ VH-TT đã phải cấp một bằng khác cùng nội dung cho địa điểm bến Cái Làng thuộc xã Quan Lạn. Đây có lẽ là sự kiện hy hữu trong việc cấp bằng công nhận di tích của Bộ VH-TT cho các địa phương từ trước đến nay.
Ngoài dấu tích các bến cảng cổ, đảo Cống Tây còn có dấu vết của 5 ngôi chùa và một ngọn bảo tháp thời Trần được xây dựng trên đảo. 5 ngôi chùa đó là chùa Lấm, chùa Cát, chùa Vụng Chuồng Bò, chùa Trong, chùa Vụng Cây Quéo. Đợt nghiên cứu khai quật đầu tiên các ngôi chùa ở đảo Cống Tây được Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức lần đầu tiên là năm 1971. Các đợt nghiên cứu, khai quật sau này đã làm sáng tỏ thêm rằng Cống Tây, Cống Đông từng là một trong những địa điểm quan trọng của hệ thống thương cảng cổ Vân Đồn trong nhiều thế kỷ; là điểm trung chuyển của “con đường gốm sứ” đi qua Vịnh Hạ Long và là trung tâm huyện lỵ của huyện Nghiêu Phong thời Nguyễn với địa danh “Cống Đông thập bát xã” vẫn còn truyền lại trong dân gian đến ngày nay. Quá trình buôn bán, trao đổi hàng hoá là cơ sở cho sự ra đời của các công trình tôn giáo là chùa, tháp phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của thương nhân và nhân dân vùng Hải Đông xưa. Nhiều di vật kiến trúc của các ngôi chùa, tháp trên đảo Cống Đông đã và đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh như rùa đá đế bia chùa Vụng Cây Quéo, tay vịn, lan can đá chạm rồng, sóc của chùa Lấm, gạch xây bảo tháp có chữ “lục hợp nhất”, “nhị tầng nhất”, “nhị tầng tam”…
Do nằm gần ngay các đảo Ngọc Vừng, Quan Lạn, tiếp giáp các đảo Cống Đỏ, vùng bảo vệ tuyệt đối của Vịnh Hạ Long nên Cống Tây rất thuận lợi để phát triển du lịch. Ngoài các di tích lịch sử, văn hoá, địa hình, thiên nhiên trên đảo khá đa dạng, hấp dẫn. Tại đây, Công ty Cảng và Xây dựng than Cẩm Phả đã xây dựng một hệ thống nhà nghỉ, nhà ăn đủ tiện nghi phục vụ khách du lịch nằm sát bãi biển. Từ nhà nghỉ tới bãi tắm là một hệ thống đường lát gạch đỏ au, hai bên là những hàng dừa thẳng tắp. Đó đây, dưới các tán cây đã mắc sẵn võng, du khách có thể đến thư giãn, ngắm biển, đọc sách. Nhiều hãng lữ hành đã đưa Cống Tây vào hành trình tour khám phá Hạ Long, cùng với các đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, đền Cửa Ông… Trong đó đã ví đảo Cống Tây như nàng Lọ Lem trong câu chuyện thần thoại./.