Nhân dịp Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (bao gồm khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và Bảo tàng Hà Nội tổ chức Hội xuân Hoàng Thành Thăng Long.
Hội Xuân khai mạc sáng ngày 30/1/2008 (tức ngày 23 tháng Chạp). Ban tổ chức phối hợp với Chi hội Di sản Văn hóa Việt Nam - Hội Chân Tâm tổ chức "Tết lễ táo quân" để tiễn năm Đinh Hợi, đón năm mới Mậu Tý - 2008 tại Sân Rồng, Điện Kính Thiên - Thành cổ Hà Nội. "Tết lễ Táo quân" được thực hiện với những nghi thức như: Rước Táo quân dân gian, đốt Cá chép hóa Rồng, thả Cá Chép sống xuống Hồ Tây…, đoàn rước được tập kết tại Hậu Lâu lúc 7h30 ngày 30/1/208 đi theo đường Hoàng Diệu và tiến vào trung tâm qua Cổng Tây (số 9 Hoàng Diệu).
Ngày mồng 4 Tết (tức ngày 10/2/2008), Ban tổ chức phối hợp với xã Đình Bảng, Bắc Ninh - quê hương nhà Lý tổ chức lễ hội "Vinh danh Hào khí Thăng Long – Hà Nội 1000 năm". Lễ rước tái hiện hình ảnh về Thăng long với Đoàn rước kiệu và cờ hiệu Lý Bát Đế đi từ Khu di tích Đền Đô, Bắc Ninh về Hà Nội, tiến vào trung tâm đặt tại Bàn thờ chính trên Điện Kính Thiên - Thành cổ Hà Nội để đại diện nhân dân Thủ đô Hà Nội và quý khách thập phương thắp hương nhớ về vị vua anh minh Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Đặc biệt trong Lễ hội "Vinh danh Hào khí Thăng Long – Hà Nội 1000 năm" diễn ra ngày mùng 4 Tết có cụ ông Nguyễn Xuân Trì 85 tuổi thuộc Ban lễ Đền Đô độc tấu kèn tế dâng lên Tiên tổ và phục vụ quý khách.
Từ ngày 30/1/2008 đến 19/5/208, Bảo tàng Hà Nội trưng bày các cổ vật, các tư liệu quý từ thế kỷ 11 đến Thế kỷ 19, những nét cơ bản về diện mạo và sự phát triển của Kinh đô Thăng Long thời kỳ: Lý, Trần, Lê…Thông qua và hiện vật khai quật được ở di tích Bắc Môn, di chỉ số 62, 64 đường Trần phú, di chỉ Chùa Báo Ân cùng nhiều cổ vật mang niên đại của giai đoạn lịch sử này, những tinh hoa của làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội xưa và thành tựu về văn hóa, giáo dục của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Hội di sản văn hóa Việt Nam (đơn vị sưu tầm và phát triển kỳ thạch) phối hợp với các nhà sưu tầm về gỗ lũa, đá lũa quý có nhiều niên đại ở vùng hồ, núi…trưng bày giới thiệu những tác phẩm "Kỳ mộc thạch"
Hiệp hội làng nghề Việt Nam trưng bày các nhà từ trục cổng đường Nguyễn Tri Phương (cổng Đông) sang cổng đường Hoàng Diệu (cổng Tây) thuộc Thành cổ với các sản phẩm của làng gốm cổ truyền Bát Tràng, Lụa Vạn Phúc Hà Đông, làng Tranh Đông Hồ, Làng Sơn Đồng - Hoài Đức, làng chạm bạc Đồng Xâm, làng gốm Thổ Hà, gốm Làng Ngòi, tre trúc Thu Hồng Sóc Sơn, làng sừng Thụy Ứng, điêu khắc đá Ninh Bình, tranh thêu tay Bắc Giang, thổ cẩm Mai Châu Hòa Bình, gỗ mỹ nghệ Tiên Sơn - Thanh Hóa…
Tham gia Hội Xuân còn có CLB Thư pháp thuộc Hiệp hội làng nghề Việt Nam với hơn 50 tác phẩm thư pháp đến từ các TP.Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành trong cả nước được trưng bày trong Nhà Con rồng. CLB công bố chính thức tác phẩm "Chiếu dời đô" do Nhà thư pháp lương y Nguyễn Văn Bách viết họa và nghệ nhân Nguyễn Thế Long - làng nghề Đồng Đại Bái thể hiện với 252 chữ bằng chất liệu đồng thau mạ vàng, kích thước 3,6m x 2m, dự kiến được hoàn thành vào ngày 10/10/208. Đồng thời hàng ngày các nghệ nhân thư pháp sẽ họat động cho chữ tại nhà trưng bày.
CLB Diều Việt Nam thuộc Hiệp hội trưng bày một số loại hình diều cổ và diều nghệ thuật như: CLB Diều Thăng Long Hà Nội - Làng Kim Nỗ, Đông Anh, CLB Diều truyền thống Bá Giang, huyện Đan Phượng và CLB Diều Mỹ Đức - tỉnh Hà Tây.
Bên cạnh đó còn có trưng bày hoa cây cảnh của ĐH Nông nghiệp 1 và các làng hoa thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra còn biểu diễn một số trò chơi dân gian: thả chim bồ câu, chọi gà của Đông Anh ,Hà Nội, chương trình nghệ thuật hát quan họ, hát chèo của CLB di sản văn hóa - Hội Chân tâm.
(Nguồn: HNM)