Là một tỉnh miền núi cửa ngõ phía Tây Bắc thủ đô, cách Hà Nội khoảng hơn 70 km theo hướng Tây dọc quốc lộ số 6, Hoà Bình là một vùng đất cổ giàu tiềm năng du lịch. Nơi đây, không chỉ có những cảnh quan thiên nhiên, những hang động kỳ thú và hấp dẫn, mà các bản làng của các dân tộc thiểu số với những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc chính là một trong những điểm đến của du khách trong và ngoài nước.
Từ ngày khánh thành công trình, Thủy điện Hòa Bình là điểm tham quan dã ngoại không thể thiếu của du khách mỗi khi đến với tỉnh miền núi này. Sự đồ sộ vĩnh cửu của công trình, sự hoành tráng mêng mông của hồ chứa, đập trên xả lũ, luôn tạo ra cho khách sự thích thú. Thấp thoáng ẩn hiện những ngôi nhà sàn trong các bảng làng của người Mường, người Tày, người Thái. Khi đi thăm Thủy điện Hòa Bình, du khách không thể bỏ qua suối nước khoáng Kim Bôi nổi tiếng, tìm hiểu sự tích “Ông Tùng, bà Tùng” trong việc chinh phục dòng sông Đà hung dữ để lấy nước làm thủy điện. Sau đó, ghé thăm đền thờ Long vương, động Thái Bỏ, đền thờ bà Chúa Thượng Ngàn và du lịch bằng thuyền trên lòng hồ Hòa Bình...
Từ lâu, du lịch Hòa Bình còn được du khách thập phương biết tới không chỉ có Nhà máy thủy điện. Cũng không chỉ bị cuốn hút bởi những điệu múa, lời ca, nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đậm đà bản sắc dân tộc của các chàng trai, cô gái Mường, Thái, Tày... Thung lũng Mai Châu như một bức tranh thủy mặc trong bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng. Từ khi xã Hòa Bình đi thêm 60 km nữa và vượt qua biết bao những đèo dốc uốn lượn, mà cao nhất là dốc Cun dài 15 km. Du khách bắt gặp một thung lũng Mai Châu tuyệt đẹp hiện ra dưới tầm mắt. Thăm những bản làng trong thung lũng, khách được ngắm nhìn màu xanh của cây trái, đồng lúa, nương dâu, hòa mình vào thiên nhiên tươi mát. Những ngôi nhà sàn với khoảng cách xa vời vừa phải luôn rộng cửa mời đón khách tới tham quan. Không chỉ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn cao ráo, chắc chắn và sạch sẽ với các cửa sổ thoáng rộng đón gió trời, khách còn được tìm hiểu về cách dệt thổ cẩm của các thiếu nữ. Những thiếu nữ, chàng trai luôn sẵn sàng kể cho du khách nghe về phương thức chọn vợ, chồng của họ. Chàng trai chọn cô gái chăm chỉ, dệt vải đẹp làm vợ. Còn cô gái chọn chàng trai biết đánh cá giỏi, làm nương giỏi làm chồng. Ngủ lại đêm tại nhà sàn, khách du lịch được thưởng thức rất nhiều món ăn hấp dẫn, được dự những đêm sinh hoạt văn nghệ cồng chiêng, uống rượu cần...
Ngoài các danh lam thắng cảnh trên, mấy năm gần đây, một khu du lịch sinh thái rất kỳ thú và hấp dẫn vừa được đưa vào khai thác và sử dụng đó là khu: suối Ngọc-Vua Hà. Nằm ở xã Xuân Tiến, huyện Lương Sơn, suối Ngọc vua Bà gắn liền với nhiều sự tích huyền thoại như: cột cờ, kho thóc...
Hòa Bình còn có rất nhiều những địa chỉ để thăm thú mang hình thức du lịch sinh thái đang được đưa vào khai thác. Sở du lịch đã vạch ra các kế hoạch khai thác triệt để những thế mạnh của tỉnh. Những tour du lịch sinh thái tham quan kết hợp với du lịch văn hóa cội nguồn, tìm hiểu và nghiên cứu phong tục tập quán của các dân tộc Hòa Bình luôn được quảng bá rộng rãi. Một tiềm năng nữa mà du lịch Hòa Bình đang hướng tới là giới thiệu và đưa khách đi tham quan một số làng nghề truyền thống tiêu biểu của địa phương. Hy vọng trong tương lai, du lịch Hòa Bình sẽ chuyển biến mạnh mẽ và những tiềm năng du lịch được đầu tư đúng hướng để đây thực sự là điểm đến của du khách trong và ngoài nước.
(Nguồn: Saigonnet) |