Lễ “thông tin” giống như lễ dạm hỏi, đại diện nhà trai mang rượu sang nhà gái để thưa chuyện với gia đình nhà gái. Lễ "khớp số", hay còn gọi là lễ “khả cáy”, nhà trai mang rượu, gà sang nhà gái. Trong lễ này, nhà gái mổ gà để xem chân gà, khớp số mệnh cho đôi trai gái. Lễ "ăn hỏi", nhà trai mang rượu, đôi gà trống thiến, bánh dầy, bánh chưng, gạo... đến nhà gái để hỏi xin cưới. Lễ “mjều mác” tức là lễ trầu cau, là lễ to nhất trước khi cưới. Trong lễ này, nhà gái tổ chức ăn uống, đãi anh em hàng xóm. Lễ “khát cằm”, còn gọi là lễ thách cưới, đại diện hai nhà trao đổi với nhau về những lễ vật nhà trai phải mang đến nhà gái trong đám cưới.
Ngoài ra, khi không được năm tuổi kết hôn, người Tày còn lễ “nhăm phạc lườn”, tức là lễ đón dâu lên nhà trước. Trong lễ này, cô dâu chưa được ra mắt tổ tiên, mà chỉ được đón đến trình họ hàng nhà trai. Sau lễ “nhăm phạc lườn”, đôi trai gái được tự do đi lại với nhau, chờ năm cưới.
Trong đám cưới truyền thống của người Tày còn có một nét văn hoá độc đáo, đặc sắc khác, đó là hát Quan làng để xin dâu. Để xin được dâu, Quan làng giao thiệp bằng những lời ca tế nhị, đằm thắm làm ấm bụng họ hàng cô dâu, để họ đồng ý cho rước dâu. Những thử thách của họ nhà gái thường mang ý nghĩa tượng trưng như “căng dây” bằng một sợi chỉ chăng ngang cửa, “giữ cửa” bằng cách nhốt con chó đặt ở sàn nhà, một chiếc đòn gánh đặt ngang lối đi... Những vật đó bỗng trở thành “chướng ngại vật kiên cố” ở trước mặt đoàn nhà trai. Quan làng lần lượt cất tiếng hát mà phải hát hay, hát đối đáp nhanh hơn nhà gái. Lời hát Quan làng có khi được truyền miệng từ đời này sang đời khác nhưng cũng có câu hát phải ứng tác kịp thời. Có nhiều đám cưới trở thành đám thi hát. Hát trôi chảy thì được “cắt dây”, “vào cổng”, “lên nhà” có chiếu ngồi. Không hát được thì phải chờ đợi phạt uống rượu thay lời hát. Hai họ vừa là công chúng thưởng thức vừa là người xét thưởng, phạt. Những việc đó diễn ra sôi nổi hào hứng, náo nhiệt. Ông Quan làng phải vượt qua bao cửa ải mới rước được cô dâu về nhà chồng.
Người con gái Tày đi lấy chồng mang theo nhiều của hồi môn đựng trong những chiếc “loỏng” sơn màu sặc sỡ. Phần lớn của hồi môn là vải vóc, chăn màn do cô gái tự dệt và may lấy. Số vải vóc này đủ dùng cho một đời người.
Tới nhà trai, cô dâu, chú rể vào lễ công báo trước bàn thờ gia tiên họ nội. Chú rể và cô dâu chắp tay vái tổ tiên, uống chén rượu thề chung thuỷ trăm năm rồi được ông bà đưa đón vào buồng hạnh phúc.
Hiện nay, các địa bàn như có nhiều người Tày sinh sống như xã Thượng Lâm, Lăng Can, Khuôn Hà... vẫn còn lưu giữ truyền thống hát Quan làng đón dâu. Đây là một trong những nét văn hoá độc đáo, đặc sắc cần lưu giữ để thế hệ trẻ biết nguồn biết cội./.