Cua đồng làm hang ở các bờ ruộng, rãnh cày… tạo nên những lỗ mội gây thoát nước và chúng hay cắn lúa non thiệt hại cho ruộng lúa. Cua cái nhỏ hơn cua đực, nhưng số lượng nhiều hơn. Mỗi sáng ra ruộng chịu khó rảo vòng bờ ruộng, bờ thửa là có thể bắt được lưng giỏ cua đồng, bổ sung thêm chất cho bữa ăn gia đình.
Chế biến cua đồng đơn giản nhất là cho vào nồi luộc, chấm nước mắm tỏi ớt kẹp lát bần chua ăn chơi. Một cách khác là rửa sạch, chặt bỏ ngoe, xào mặn với tóp mỡ ăn cơm cũng rất ngon miệng. Món canh chua cua đồng khá phổ biến với người Nam Bộ. Chỉ cần độ hai chục cua, ít bẹ môn, đậu rồng, khế, chuối xanh, me… là có ngay nồi canh chua khoái khẩu. Vào mùa hè nóng nực mà ăn được tô bún cua rau nhút mới cảm nhận hết hương vị dân dã. Cua rửa sạch, giã nhuyễn lọc lấy nước, nêm gia vị, nấu sôi cùng rau nhút. Gạch cua chưng riêng với trứng, màu vàng ươm thơm phức, múc chan lên trên tô bún cua rau nhút nóng hổi, chỉ nhìn thôi đã phát thèm. Rồi còn món canh cua đồng rau sam, rau đay, rau ngót, hoa thiên lý… vừa thơm ngon, bổ dưỡng, vừa có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc. Cua đồng nướng than hồng hay rang với chút muối, mỡ thì bọn trẻ rất ưa chuộng.
Nấu bánh canh cua thì công phu ở chỗ xay bột gạo ngon, xắt miếng, cho vào thau nước lạnh rồi vớt ra để ráo. Cua đồng gỡ lấy gạch để riêng, thịt vỏ đâm nhuyễn, pha nước lạnh, vắt lọc bỏ xác. Khi nồi nước sôi, cho tất cả vào, nêm gia vị, múc ra tô, rắc hành tiêu cho thơm. Có người thích cho thêm nước cốt dừa tăng vị béo. Ăn tô bánh canh cua đồng bột xắt, thấm thía, cảm nhận khó quên cái màu trắng đục như sữa tan ra từ bột vụn, qua bàn tay ân cần của người mẹ, người chị chân quê. Bây giờ tô bánh canh nấu ở chợ chỉ có chút “hơi” cua đồng, ngồn ngộn thịt chả, giò heo, còn bánh canh là bánh tằm dai, trắng, lấy từ các lò công nghiệp, ăn “có vẻ” ngon nhưng thiếu vắng hương đồng…
Cua đồng còn làm được nhiều loại mắm. Mắm cua tươi ăn liền thì giã nhuyễn, rưới nước lạnh vào lược kỹ, cho ít muối, đun sôi cùng vài lát gừng, ớt, măng tươi. Ăn với cơm hay bún, rau thơm, rau luộc đều ngon. Mắm cua chua thì để được lâu ngày hơn. Cua rửa sạch, giã nhuyễn lọc lấy nước, nêm muối vừa ăn, cho vào chai thủy tinh, đậy nắp đem phơi chừng ba nắng tốt. Mùa mưa thì để chai cạnh bếp lửa, sau một tuần là dùng được. Có nơi cho nước cua vào hũ sành đậy kín, để ăn dần cả tuần lễ. Nếu chịu khó vài hôm dùng đũa bếp khuấy đều sẽ để được vài tháng không ngả mùi. Mắm cua chua kho cá đồng mới thật hết ý. Cá lóc nướng sơ qua cho vào ơ đất, đổ nước mắm cua xăm xắp cùng vài lát gừng, ớt, chụm lửa riu riu. Các vị mặn, ngọt, thơm, nồng hòa quyện cùng nồi cơm gạo mới, ăn đến đã thèm./.