Hào nhoáng và thuần khiết

Địa danh Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đã quá quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế. Chỉ riêng đợt 30.4-1.5.2010, Sa Pa đã đón khoảng 15.000 khách.

Để "trốn" cái nắng đổ lửa ở miền Bắc và miền Trung tháng 6 này, du khách càng đổ lên Sa Pa để "nếm trải" một không khí se se lạnh của đầu đông và khám phá thêm những nét mới ở Sa Pa, kể cả những bất cập trong phát triển du lịch ở đây.

Phố tây - phố ta

Đã bao bận lên Sa Pa, vậy mà lần này - lần đầu tiên tôi mới nghe cụm từ “phố tây - phố ta”. Sáng mưa tầm tã, ngồi ngắm những chiếc ô xanh đỏ của bà con dân tộc Mông và du khách từ ô cửa nhỏ trong quán càphê Queen - nữ hoàng, đường Cầu Mây, tôi bắt chuyện với cậu phục vụ quán. Cậu ta mới ngoài 20 tuổi, người Hưng Yên, lên lập nghiệp được vài năm ở Sa Pa, nhân lúc quán vắng khách, nên hào hứng kể cho tôi nghe: Phố tây bắt đầu từ đường Cầu Mây đến “sân quần” - là khoảnh sân gần nhà thờ Sa Pa, thời Pháp sân được dùng để đáp trực thăng, nay là sân chơi và làm khu bán hàng lưu niệm, ẩm thực... Còn từ “sân quần” trở đi là thuộc phố ta.

Có lẽ thế mà suốt dọc đường Cầu Mây - chừng hơn 100m thôi - nhưng tất cả các cửa hàng lớn bé, từ nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán đồ tạp hoá, đồ lưu niệm, thuốc y dược... đến những quán bar giải trí, mátxa... đều được “dán” tên bằng tiếng Anh - Pháp và cả tiếng Italia nữa: Wine, Chocolat, Pharmacy (thuốc tân dược), Bar Bebop, Pizza, Orchid (phong lan), Foot massage, Body massage...

Nhưng có một khác biệt mà khách đến đây nhận rất rõ, các cửa hàng “tên tây” - thuộc phố tây thường niêm yết giá bán các món ăn, thức uống hay các sản phẩm khác rất rõ, còn nhiều cửa hàng Việt thì chỉ có danh mục còn giá cả tùy nhà hàng định, khách nếu vào mà không thoả thuận trước là bị “chém đẹp!”.

Cậu nhân viên quán Queen vừa cười, vừa bảo: Bọn em chỉ khoái tiếp khách tây thôi. Họ lịch sự, gọi món vừa đủ, ăn uống xong tính tiền và cho nhân viên tiền “tip”. Còn khách người Việt thì lắm ông “hai lúa” lên trúng được “quả đất” khệnh khạng quăng tiền ném “gãy chân” nhân viên. Ai cũng biết các bác có tiền mới đi du lịch, nhưng cậy nhiều tiền muốn nhân viên gọi bằng “bố” cơ!

Khách tây tiêu tiền cũng khác, họ cầm 10 triệu đồng thì họ tính toán, tiết kiệm bằng mọi cách phải đi đủ 10 nơi mới thoả mãn, còn khách Việt, cũng từng ấy tiền, chỉ một lần đi chơi là “sạch”, nên rất “ông chủ”...

Lần này tới Sa Pa, ở phố tây - điều tôi bất ngờ chính là sự xuất hiện của hai gallery tranh và ảnh gần nhau. Gallery bán tranh, chủ là người Việt, tập hợp tranh của một số hoạ sĩ có tên lẫn vô danh ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lào Cai... Tranh có đủ loại, tranh lưu niệm vẽ người dân tộc giá bán khoảng 100.000đ/tranh khổ nhỏ, tranh sơn mài, giá cao nhất 900USD/tranh/khổ 80cmx100cm.

Hỏi chuyện mấy cô nhân viên bán tranh, được biết khá nhiều khách tới mua, chủ yếu là người nước ngoài và thường mua tranh có giá rẻ từ 5USD - 50USD. Nhưng điều làm tôi ấn tượng lại là cửa hàng ảnh kế bên với bảng chữ “Sapa Image Gallery” - The Fine Art of Photography, một cửa hàng bán ảnh nghệ thuật ở Sa Pa. Chủ gallery là nhiếp ảnh gia người Mỹ tên David Matin, có vợ là người Hồng Kông.

Gallery mới mở vài tháng, bán lai rai ảnh do ông chủ chụp và tự in ảnh bằng công nghệ in hiện đại của Mỹ. Ông chủ không phải “người lạ” với cư dân Sa Pa; trước khi mở cửa hàng, ông đã bỏ ra hơn 3 năm sống ở Sa Pa để điều nghiên thị trường.

Ảnh của David Matin giá không rẻ, thấp nhất là 22USD/ảnh/khổ 20cmx30cm, cao nhất là 300USD/ảnh/khổ 90x135cm, nhưng dịch vụ hậu mãi thì tốt, khách mua ảnh được cửa hàng giúp gửi ảnh theo địa chỉ đến với giá cước đúng giá gốc.

Dịch vụ phong phú, giá có “sao”

Sa Pa là điểm đến không chỉ đơn thuần du lịch khám phá, mà còn là nơi để thư dãn nghỉ ngơi, khách đến đây “luật bất thành văn” phải chấp nhận giá sinh hoạt khá cao, hơn cả mấy thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM...

Điểm qua vài món trên thực đơn ở mấy nhà hàng thấy hơi “chóng mặt”: Rau cải Mèo (mọc như cỏ ở Sa Pa) luộc, xào giá 15.000 - 25.000đ/đĩa nhỏ; một nồi lẩu gà đen (loại 1,5kg)/2 người ăn giá 300.000đ; một đĩa thịt bê xào tới 250.000đ; cá hồi - “đặc sản” của Sa Pa, vì ở đây đã nuôi thành công giống cá này ở thung lũng Mường Hoa, nhưng giá cao, một nồi lẩu đầu cá hồi 2 phần ăn 250.000đ, 3 khoanh cá hồi nướng giá 300.000đ... Bia Hà Nội có giá từ 18.000 - 25.000đ/chai, Heineken 35.000đ/chai; một tách trà Sa Pa gồm vài lát quế, cam thảo, gừng, trà xanh giá 24.000đ; từ 14.000 - 20.000đ/1 tách càphê đen nóng...

Trong số các dịch vụ, tốc độ phát triển các cửa hàng tắm lá thuốc Dao đỏ, xông hơi, mátxa chân, mátxa toàn thân là cực nhanh. Thậm chí có cả một cửa hàng to vật vã, quảng cáo gội đầu thư dãn, mátxa toàn thân, xăm thẩm mỹ, làm nail - móng tay nghệ thuật... Khoảng 15 - 16 cửa hàng như thế, tập trung trên một khúc đường Cầu Mây khoảng vài trăm mét. Giá cả ở đây cũng tùy nơi, tùy yêu cầu, từ tính giờ 100.000đ/giờ trọn gói (mátxa chân, toàn thân, tắm lá thuốc), hay tính theo từng phần với giá từ 60.000 - 100.000đ...

Cùng với mấy chục cửa hàng bán thuốc dân tộc, dịch vụ “tắm lá thuốc” kiểu này ở Sa Pa làm tôi cứ băn khoăn tự hỏi, liệu rừng có mọc đủ, mọc kịp lá cho tốc độ phát triển những dịch vụ này?


Một ngày mưa ở Sa Pa.

Dịch vụ cho thuê xe đạp, xe máy để tự đi khám phá cũng phát triển không chỉ số lượng, mà còn cả chất lượng. Đã có rất nhiều điểm cho thuê xe đạp địa hình loại ngoại nhập giá mấy ngàn USD/chiếc, với giá thuê 20USD/ngày + một hướng dẫn viên; xe máy thì rẻ hơn, chỉ 100.000đ/chiếc/ngày; còn xe Jeep của Nga đi xuống bản Lao Chải, Tả Van 2 lượt là 200.000đ. Phần lớn khách thuê xe máy, xe đạp, xe Jeep là du khách tây, rất ít người Việt đi lẻ đến mấy địa danh du lịch ở Sa Pa khám phá, hoạ chăng chỉ có những người như tôi.

Hàng lưu niệm ở Sa Pa cũng rất đa dạng về “đẳng cấp”. Hàng “chợ” rất bắt mắt, nhưng độ tin cậy vào chất lượng thì không có gì bảo đảm, được bày bán trong chợ Sa Pa và các quầy hàng lưu niệm xung quanh “sân quần” và khu nhà thờ. Hàng cao cấp hơn thì nằm trong chuỗi cửa hàng “Phố Núi”, nằm ở phố tây - Cầu Mây, giá có “sao”: Bộ đũa gỗ mun cẩn vỏ ốc giá 300.000đ/10 đôi; bộ búpbê thiếu nữ các dân tộc bằng nhựa composit, mặc áo váy thổ cẩm bán 200.000đ/con/cao 20cm; khăn thổ cẩm giá 100.000đ/chiếc/20cmx20cm...

Bản Tả Van cũng mới phát triển dịch vụ chụp ảnh lưu niệm bằng cách cho thuê trang phục dân tộc với giá 15.000đ/1 bộ và trang trí khung cảnh rừng núi thác suối đầy màu sắc. Nếu thuê thợ ở đó chụp thì giá “mềm” hơn tùy theo số lượng kiểu bấm máy, nhưng tính ra cũng trung bình khoảng 10.000-15.000đ/kiểu, ảnh vài giờ sau được giao tận khách sạn.

Có một Sa Pa khác

Sa Pa không chỉ có những khu nhà nghỉ sang trọng, ấm cúng, nhà hàng ăn phong phú, khách du lịch với đủ màu da và ngôn ngữ... Chỉ đi hơn 10km từ đường Cầu Mây, đi bộ men theo một đường mòn ngót 1km xuống thung lũng là bước vào một khung cảnh khác, bản Ý Linh Hồ, hơi hoang dã, không quang đãng như mấy bản du lịch Lao Chải, Tả Van, Cát Cát... nhưng nét thơ mộng thì thừa hấp dẫn du khách, bởi những thửa ruộng bậc thang với hình uốn lượn lạ mắt, đặc biệt hơn nhiều ruộng bậc thang ở nơi khác, nương thảo quả cùng những ngôi nhà lợp tranh có bờ rào đá như che giấu những bí ẩn ngôi nhà người Mông. Bản thuộc xã San Sả Hồ - nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ, một trong những tuyến đường lên Phanxipăng.

Hình như cái không khí du lịch nhộn nhạo và hào nhoáng của Sa Pa phía trên không hề ghé qua bản này. Sáng sớm đã rất đông đồng bào người Mông ra ruộng, không gian ở đây rất yên bình, chỉ nghe tiếng suối chảy rì rầm bất tận, tiếng chim hót từ những rặng cây... Trẻ em ở bản này không đi bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, mà ở nhà phụ giúp bố mẹ làm ruộng, gặp khách mỉm cười chào rất thân thiện.

Suốt dọc đường về Hà Nội, tôi cứ nghĩ về những cái nhiều và thiếu ở Sa Pa, mà rất lâu nay chưa thấy thay đổi gì. Khách du lịch ngày một đông, dịch vụ ngày một phát triển, nhưng vẫn thấy sự manh mún, nhỏ lẻ mà chưa thấy sự quy hoạch chuyên nghiệp từng khâu nhỏ nhất trong các sản phẩm du lịch ở đây. Hàng lưu niệm chất lượng không bảo đảm, các “tua” du lịch và dịch vụ kèm theo mạnh ai nấy làm, các cửa hàng mátxa mọc như nấm sau mưa, nhưng chất lượng và trình độ các nhân viên ở đây khó đảm bảo, chưa kể không quản lý tốt dễ phát sinh tệ nạn xã hội.

Một tuần chỉ có tối thứ bảy có phiên chợ tình, nhưng đã bị “biến tấu” mất đi vẻ đẹp thuần phác nguyên thủy, các ngày khác Sa Pa không có gì giải trí. Giá như ngành văn hoá huyện hay tỉnh thử tổ chức những show nhỏ ca múa nhạc, trò chơi dân tộc để ngoài việc cho khách giải trí thì cũng là một hình thức tập hợp thanh niên dân tộc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống...?

Theo Lao Động

download game kim cuong bejeweled, reader pdf foxit reader 5 link tai, down ghep file hj-split link nhanh, tai download winrar 64 bit giai nen file rar, link tai xilisoft video cutter cut video, download goldwave down gold, tai cut nhac x-wave mp3 cutter joiner link nhanh, pro can edit thi dung cool edit pro link down, deep freeze standard dong bang o cung dep freze, link tai blazingtools perfect keylogger down nhanh converter, x2x free 3gp converter tai link nhanh, abdio 3gp converter chuyen doi converter nhanh,download microsoft .net framework 3.5 link tai nhanh