Về xã Mỹ Đức (Hà Tiên, Kiên Giang), cách cửa khẩu Hà Tiên chừng 3 km, bạn sẽ thấy xuất hiện một ụ núi cây xanh bao phủ. Người dân trong vùng gọi là Thạch Động.
Giếng thông ra biển |
Miệng hang Thạch Sanh quay mặt lại con đường trải nhựa. Trước cửa hang, những khối thạch nhũ rêu phong rủ xuống. Nước từ trên trần hang theo rễ cây thấm qua thạch nhũ nhỏ giọt. Điều kỳ lạ là mùa nắng hay mùa mưa thì nước vẫn không ngừng nhỏ xuống. Người dân bảo rằng, đó là nước trời ban. Họ đặt một cái lu sành trước miệng hang hứng nước. Lu nước ngọt và tinh khiết này được người dân xem là nước mầu nhiệm. Khi vào hang, họ thường rửa mặt cầu an lành.
Du khách rửa mặt "nước trời ban", cầu bình an |
Hang nhiều dơi và thạch nhũ. Du khách rọi đèn lên nóc hang, những con mắt dơi sáng quắc nhìn xuống. Chiều tối, đàn dơi dáo dác bay quanh vùng kiếm ăn xáo động. Còn thạch nhũ, tùy con mắt mỗi người mà hình dung những hình thù khác nhau. Tuy nhiên, vào Thạch Động bạn được xem "thạch nhũ đặc sản" có hình Thạch Sanh và cả thạch nhũ hình Quỳnh Nga công chúa. Đặc biệt giữa động, men theo mạch đá có một hang hẹp và sâu. Người ta xây thành giếng bao quanh. Hang sâu bao nhiêu, chẳng ai biết. Chỉ nghe người dân đồn rằng hang thông với biển Hà Tiên. Có người đã thử độ sâu của hang bằng cách khắc chữ trên quả dừa khô làm dấu rồi thả xuống hang. Vài ngày sau, người ta thấy quả dừa ấy nổi bồng bềnh ngoài biển. Kỳ bí và khó tin là thế, nhưng chẳng ai kiểm nghiệm được và người ta vẫn tin.
Một chiếc hang nhỏ xinh không thể sánh với những hang động khác về quy mô nhưng vẫn hút khách du lịch hằng ngày. Bởi hang mang trong mình một truyền thuyết. Khám phá hang, ngoài việc được mãn nhãn sự tò mò người ta còn có một niềm tin hướng thiện.
(Theo_Thanh Niên online)