Nhưng nhiều người còn chưa biết đến một cơ sở cách mạng đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử vẻ vang của dân tộc là hang Mường Tỉnh nằm tại bản Trống, xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông. Nơi đây vào những năm 1945- 1954 đã diễn ra nhiều sự kiện cách mạng quan trọng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau gần 60 năm, trải qua nhiều biến thiên, thay đổi nhưng hang Mường Tỉnh vẫn giữ được những giá trị lịch sử ghi dấu tháng năm hào hùng trong quá khứ. Đến đây, du khách được trở về với lịch sử, sống lại với những sự kiện của dân tộc, của những người đã đồng cam cộng khổ, trèo đèo lội suối băng rừng đưa đường cho cán bộ, bí mật hoạt động luồn sâu vào lòng địch. Tại đây, Ban cán sự Đảng Lai Châu đã được thành lập và biến nơi đây thành một cơ sở cách mạng để phát triển phong trào trên địa bàn xã Sa Dung cũng như trên toàn huyện Điện Biên Đông. Hang Mường Tỉnh đã chứng kiến sự trưởng thành của Đảng và phong trào cách mạng trên địa bàn huyện, đồng thời trở thành chứng tích lịch sử đánh dấu tình đoàn kết, gắn bó của nhân dân Điện Biên Đông với nhân dân Lai Châu - Điện Biên trong cuộc kháng chiến chống Pháp chung của toàn dân tộc. Nhiều cán bộ Đảng viên đã trưởng thành từ đây và góp phần làm nên trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt
Hang Mường Tỉnh gồm có 3 ngăn chính. Đi qua cửa hang hẹp sẽ là ngăn ngoài cùng với diện tích khoảng 600m2, cao tầm 20m. Ở ngăn này vòm hang không có nhiều tạo hình phong phú nhưng điểm nổi bật là có không gian khá rộng lớn với nền đất bằng phẳng. Đây là nơi lý tưởng để Đảng ta lựa chọn làm nơi tổ chức các cuộc họp có sức chứa được hàng trăm người mà vẫn giữ được bí mật.
Để vào được ngăn thứ 2 phải trườn mình qua một đường hầm xuyên đá tự nhiên. Vào bên trong, không gian ngăn 2 khá hẹp với diện tích khoảng 20m2, xung quanh là các bức tường bằng đá với những hốc đá nhỏ, ăn sâu vào lòng núi là nơi cất giấu tài liệu của cách mạng. Bằng sự tài tình của thiên nhiên, trong ngăn thứ hai có hệ thống bàn làm việc, giường ngủ hoàn toàn bằng đá được sắp xếp tự nhiên nhưng rất hợp lý. Quanh đó, thiên nhiên tạo nên hình thù những con vật hết sức ngộ nghĩnh như hình chó cảnh, hình chim muông, hình con sóc... nhìn rất đáng yêu. Đây là nơi vừa bí mật vừa đảm bảo an toàn khi có biến cố xảy ra. Tại đây có một đường nhỏ xuyên lên đỉnh núi, các chiến sĩ có thể theo đó chui ra ngoài rừng tránh sự phát hiện của địch.
Ngăn thứ 3 được tạo hóa ưu ái nhất với những thạch nhũ từ trên cao rủ xuống lấp lánh, óng ánh và những rèm phủ bằng đá. Trong lịch sử, đây là nơi cất giấu vũ khí, lương thực của quân ta. Phòng cất giấu vũ khí rộng khoảng 30m2 đảm bảo việc cung cấp vũ khí cho bộ đội, du kích ta trong các cuộc chống càn, chiến tranh du kích cũng như tổng công kích giải phóng Điện Biên lần thứ nhất năm 1953. Và đây cũng chính là nơi thư giãn, nghỉ ngơi của các chiến sĩ cách mạng sau mỗi trận chiến.
Đến với hang Mường Tỉnh, du khách không chỉ được trở về với lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn được chiêm ngưỡng một hang Mường Tỉnh tuyệt đẹp, khí hậu trong lành, ẩn mình trong núi đá vôi hùng vĩ. Vào buổi sáng sớm, du khách tham quan hang Mường Tỉnh sẽ ngỡ như đang ngắm nhìn bức tranh thủy mặc lãng mạn của thiên nhiên. Đỉnh núi cao chập chờn, ẩn hiện trong màn sương mờ huyền ảo với những đám mây thấp thoáng, bồng bềnh. Khi sương tan, mây dâng cao dần để lộ nền trời trong xanh và trả lại nguyên hình ngọn núi hiên ngang đã từng vững chãi che chở cho đội xung phong Quyết tiến năm nào.
Di tích lịch sử cách mạng hang Mường Tỉnh là một tài sản vô cùng quý giá, là thông điệp của quá khứ để lại cho thế hệ mai sau. Hang cần được bảo vệ, đầu tư phát triển để gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử đồng thời khai thác hợp lý, biến nơi đây thành một điểm du lịch giàu ý nghĩa nhân văn. Nếu được quan tâm đầu tư xứng đáng, chắc chắn hang Mường Tỉnh sẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Điện Biện.