Nhân dịp kỷ niệm 5 năm làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia, trong 2 ngày 20 và 21/9, nhiều hội thảo khoa học, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sẽ được tổ chức.
Ngày 20/9 tại Nhà văn hóa xã Đường Lâm diễn ra cuộc Hội thảo về các giải pháp bảo tồn nhà cổ và các di tích tại làng cổ Đường Lâm.
Ngày 21/9 diễn ra lễ tưởng niệm 1.066 năm ngày mất của Vua Ngô Quyền. Sau lễ tưởng niệm, hai cuộc Hội thảo sẽ được tổ chức: Hội thảo về du lịch Đường Lâm và Hội thảo về trang phục truyền thống cũng sẽ diễn ra tại nhà văn hóa Đường Lâm với sự tham dự của đại diện các Công ty lữ hành và đại diện các gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch tại làng cổ Đường Lâm, các chuyên gia đến từ Nhật Bản.
Bên cạnh các Hội thảo khoa học, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sẽ diễn ra như: lễ hội ẩm thực; múa rối nước; các trò chơi dân gian như: kéo co, thi nấu cơm, đập niêu, chọi gà, …
Đường Lâm là một làng thuần Việt cổ, gồm 9 thôn có lịch sử cư trú trên dưới 5.000 năm. Nơi đây còn lưu giữ gần 800 ngôi nhà cổ được xây dựng bằng chất liệu đá ong độc đáo của xứ Đoài với cột rường nhà làm bằng gỗ lim, cùng nhiều truyền thuyết, trò chơi dân gian và các sản vật độc đáo như hội gỏi cá, lễ tế gà Mía...
Làng cổ Đường Lâm được Nhà nước trao bằng Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia ngày 19/5/2006.
Với những di tích lịch sử nổi tiếng như: cổng làng Mông Phụ, đình Mông Phụ, Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, chùa Mía, đình Cam Thịnh, đình Đoài Giáp, đình Phùng Hưng, đền – lăng Ngô Quyền, Đền phủ Bà Chúa Mía, chùa Ón, các nhà thờ họ, quán, điếm, miếu, giếng… làng cổ Đường Lâm đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Nguồn: ĐCSVN