Những năm gần đây, xu thế du lịch đến những vùng rừng núi xa xôi, nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trở nên khá thịnh hành, nhất là với khách du lịch trong nước và quốc tế. Bởi ở đó vừa có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, vừa bảo tồn được những nét văn hóa dân tộc truyền thống...
Hà Giang có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ vĩ, có nhiều di tích lịch sử quý giá, như Cao nguyên đá Đồng Văn, Cổng trời Quản Bạ, Dinh thự họ Vương (Đồng Văn), Mã Pì Lèng (Mèo Vạc)..., kết hợp với bản sắc đa dân tộc của Lễ hội truyền thống, nét văn hoá đặc trưng kỳ bí đã tạo nên một sắc màu văn hoá mang đậm chất dân gian và là một tiềm năng lớn cho ngành Du lịch, đặc biệt là trong vấn đề xây dựng và phát triển làng văn hoá Du lịch cộng đồng. Mỗi làng văn hóa đều chứa đựng tiềm năng du lịch phong phú với văn hóa vật thể, phi vật thể đan xen nhau, tạo nên sự hấp dẫn và khơi gợi sự tìm hiểu về văn hóa dân tộc trong lòng du khách.
Trong tiến trình CNH, HĐH vai trò của làng, xã văn hóa càng được thể hiện rõ hơn, đó là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại, gắn kết cộng đồng dân tộc, là xuất phát điểm của quá trình phát triển. Làng xã là nơi tập trung đầy đủ và rõ nét nhất mọi điều kiện khách quan và chủ quan trong việc hình thành và lưu giữ các di sản văn hóa truyền thống. Vì vậy, việc phát triển du lịch gắn với xây dựng làng văn hóa là điều kiện tất yếu, vừa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn không gian văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong thời gian qua, các làng văn hóa trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy tốt những tiềm năng, giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để mỗi làng văn hóa trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách bốn phương... Đặc biệt du khách cần nghiên cứu nền văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông, Lô Lô, Dao, Tày với những sắc màu độc đáo trên trang phục, lễ hội truyền thống, rồi phiêu lưu với những cảnh quan kỳ thú từ hang động thì hãy tới các bản làng văn hóa vùng sâu, vùng xa sinh hoạt với người dân và khám phá cuộc sống của họ, như các làng văn hóa: Dân tộc Tày (thành phố Hà Giang), dân tộc Dao (Hoàng Su Phì, Xín Mần), dân tộc Lô Lô đen (Sảng Pả - Mèo Vạc), dân tộc Mông ( Quản Bạ, Đồng Vắn, Mèo Vạc)...
Để tạo ra một động lực thúc đẩy và phát huy giá trị của di sản văn hóa tại các làng văn hóa trên con đường phát triển du lịch, các cấp, các ngành cần nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, tận tâm, đủ sức truyền tải thông tin đến với mọi đối tượng khách tham quan. Cần gắn kết việc phát triển du lịch với việc xây dựng môi trường sinh thái, nhân văn trong đời sống cộng đồng ở các bản làng. Khuyến khích từng cá nhân phát huy vai trò là chủ thể của mọi sự sáng tạo các giá trị văn hóa nhằm hình thành nên các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn mang tính đặc thù của địa phương. Bởi du lịch là một hình thức trải nghiệm văn hóa, mà nền tảng là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở trong chính mỗi cộng đồng làng xã văn hóa. Theo báo cáo của ngành du lịch, tỉnh ta đã xây dựng được 29 làng văn hoá du lịch cộng đồng, trải khắp 11 huyện. Qua 9 tháng đầu năm, có tới gần 3.000 luợt du khách đến tham quan, du lịch, nâng tổng mức doanh thu từ du lịch đạt trên 157 tỷ đồng...
Tuy đã có bước phát triển đáng kể, song quy mô du lịch vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh hiện vẫn còn những hạn chế do sản phẩm du lịch còn nghèo, chất lượng ở mức độ nhất định, công tác tuyên truyền, quảng bá hạn chế , cơ sở hạ tầng còn khó khăn nên chưa thu hút được các nhà đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch. Để phát triển được du lịch cộng đồng, nhất thiết phải có vai trò của các cấp Đảng, chính quyền trong việc xây dựng quy hoạch, đầu tư kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giáo dục nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó không thể không có vai trò của chính người dân trong việc bảo tồn, khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên cũng như giá trị văn hóa dân tộc để tạo nét riêng, dấu ấn đặc trưng lôi cuốn du khách. Rõ ràng, loại hình du lịch cộng đồng ngoài việc đem lại lợi ích cho ngành du lịch còn đem lại lợi ích thiết thực đối với người dân. Trước hết, người dân có được nguồn thu trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách mà nguồn thu đó lớn hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Tiếp đó là những lợi ích từ việc phát triển cơ sở hạ tầng. Bởi khi du lịch phát triển sẽ tạo được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, thu hút các nhà đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông, điện, nước, mạng lưới thông tin, y tế, giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường. Ngoài ra còn tạo được việc làm, giao lưu văn hóa, nhất là ý thức xã hội về bảo tồn những giá trị văn hóa được nâng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đây cũng là phương thức hữu hiệu phát triển KT – XH, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc.
Nguồn: Báo Hà Giang