Hà Giang, nơi địa đầu của Tổ Quốc, vốn là điểm du lịch hấp dẫn bởi những cung đường uốn lượn đến say lòng và những cảnh đẹp hùng vĩ
|
Những cung đường uốn lượn Hà Giang |
Từ Hà Nội, mất gần 5 giờ đồng hồ đi xe ô tô là có thể tới được Quản Bạ, nhưng cô chủ nhà trọ có dặn đi dặn lại là không được đi muộn, vì khi tối trời sương sẽ mù và đường đi sẽ nguy hiểm hơn. Cung đường kể từ thị xã Quyết Tiến vào đến Quản Bạ khá hẹp và khó đi, so với chặng đường trước đó. Nhưng cảnh đẹp tại Cổng Trời với Núi Đôi và những mái nhà trắng khói bếp đã xoá đi mệt nhọc của chặng đường dài.
|
Núi Đôi Quản Bạ |
Cũng chính vì thế mà khi chúng tôi lên, phải khó khăn lắm mới tìm được một quán ăn mà gia đình chủ quán tốt bụng đã đồng ý nấu những món đặc sản của vùng núi: thịt hun gác bếp, xúc xích nướng. Họ còn mời chúng tôi miếng bánh chưng rán có màu đen đặc trưng của một loại lá vùng này, rất thơm ngon.
|
Rau ở Quản Bạ ngọt đến lạ lùng, chắc có lẽ tại được chăm sóc cẩn thận và không có hóa chất |
Sáng ngày thứ hai, chúng tôi còn nấn ná với những cây mận ở Quản Bạ, đến khi nắng đã lên cao mới tạm biệt nơi đây, qua Yên Minh để đến Đồng Văn. Cung đường Yên Minh kéo dài 50 cây số từ Quản Bạ, đẹp nhưng thật quanh co. Cảnh vật bên đường hùng vĩ, những con đường núi quặt tay áo.
|
Cung đường Yên Minh |
Hà Giang của những ngày thường nhật đã ít người, vào những ngày Tết Âm lịch lại càng ít hơn nữa. Người dân ở đây dự buổi họp chợ cuối cùng trước Tết Âm lịch, rồi họ nghỉ dài đến tận rằm tháng riêng. Lúc đó, họ không buôn bán, cũng không họp chợ nữa, mà thay vào đó là sắm sửa diện những bộ quần áo đẹp nhất, màu sắc nhất để gặp nhau nhân dịp xuân về.
Trên đường đi, giữa những đoạn đường dài vắng người, là một số khu chợ tập trung rất đông các chàng trai cô gái với trang phục sặc sỡ. Họ đến để tham dự hội Chặt mía, một trong những trò chơi phổ biến vào độ Tết về. Trai gái cũng nhân hội mà gặp mặt tìm hiểu lẫn nhau. Không khí Tết trên vùng cao thật là duyên dáng và bình dị.
|
Thiếu nữ chơi xuân |
Cao nguyên đá lừng lững trước mắt, những mỏm đá tai mèo sắc nhọn trải rộng tầm mắt làm chúng tôi choáng ngợp. Màu tối sậm của đá và đất làm nổi bật lên trang phục dân tộc của các chàng trai cô gái đang tụ tập dọc đường đi. Thấy chúng tôi đi qua, họ vẫy chào rất thân thiện.
|
Cao nguyên đá Đồng Văn |
Chúng tôi dừng lại khá lâu ở Sủng Là, để tận mắt ngắm nhìn cảnh đẹp đã từng là phim trường của bộ phim Chuyện của Pao. Cũng có nhiều thay đổi, nhưng nét hồn nhiên mộc mạc thì vẫn còn tràn đầy. Ở làng, chúng tôi được mời ăn thắng cố và thử gạo rang với rượu ngô đặc sản.
Một cụ ông múa khèn biểu diễn cho chúng tôi xem. Cô con gái của ông vẫn còn ngượng đến ửng hồng đôi má khi một anh trong đoàn muốn chụp ảnh cùng. Khung cảnh làng nhỏ với đồng cải ửng lên trong nắng, cứ như thiên đường trong những giấc mơ. Sủng Là - phim trường phim Chuyện của Pao.
|
Nhà họ Vương |
Chúng tôi cũng đến thăm nhà vua Mèo Vương Chí Sình Khác với Dinh thự Vua Mèo Hoàng A Tưởng ở Bắc Hà, nhà của họ Vương mang bản sắc của những ngôi nhà dân tộc.
|
Những nếp nhăn hiện lên trên khuôn mặt hiền từ |
Đường lên cột cờ Lũng Cú lại càng quanh co. Nhưng khi đến nơi, tôi bỗng thấy yêu tổ quốc mình biết bao nhiêu. Lá cờ tổ quốc 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc trên đất Việt, đang tung bay trong nắng.
|
Lá cờ Tổ quốc 54 m2 |
Dưới chân cột cờ, trẻ con với quần áo sặc sỡ chơi đùa vui vẻ. Trẻ con Hà Giang rất thích chụp ảnh, và chúng hớn hở nhìn thấy ảnh mình trong những chiếc máy ảnh của chúng tôi. Những nụ cuời hạnh phúc của mùa xuân vang trên đỉnh Lũng Cú, thật là một kỉ niệm không thể nào quên.
|
Những nụ cười hạnh phúc trên đỉnh Lũng Cú |
|
Những con đường quanh co |
|
Cả đoàn chụp ảnh lưu niệm trên đỉnh Lũng Cú |