GiaLai là một tỉnh miền núi thuộc Bắc cao nguyên trung phần Việt Nam, phía Bắc giáp với KonTum, phía Nam giáp với Đắk Lắk, phía Đông giáp với tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và phía Tây giáp với Campuchia với 90 Km đường biên giới.
Tỉnh có diện tích tự nhiên gần 16.000Km2, được chia thành 13 huyện, 01 thị xã và thành phố Pleiku là trung tâm của tỉnh, với dân số trên 1 triệu người, trong đó 48% là dân tộc thiểu số, chủ yếu là hai dân tộc Bahnar và Jarai. Ở độ cao 600 -- 800m so với mặt nước biển, Khí hậu ôn hoà mát mẻ quanh năm, với nhiệt độ trung bình 23 - 250c, Gialai là nơi lý tưởng cho du khách đến tham quan và nghỉ mát.
Ngày nay, với hệ thống giao thông thuận lợi, du khách có thể đến Gia Lai bằng đường hàng không qua sân bay Pleiku nối với các sân bay quốc tế Đà Nẵng, Nội Bài, Tân Sơn Nhất vào các ngày trong tuần và bằng đường bộ qua quốc lộ 14 nối các tỉnh Tây Nguyên với Tp.HCM, quốc lộ 19 và 25 nối Gia Lai với các tỉnh duyên hải Miền Trung với con đường di sản.
Thiên nhiên đã ưu đãi cho mảnh đất Gia Lai tiềm năng Du Lịch sinh thái phong phú đầy hấp dẫn với những cảnh quang thiên nhiên quyến rũ của những khu rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú và đa dạng, những ngọn thác hùng vĩ, những dòng sông quanh co chảy xiết và những hồ nước mênh mông phẳng lặng. Tất cả dường như còn được tô điểm thêm bỡi những cánh rừng cao su, đồi chè, cà phê bạc ngàn và những công trình thuỷ điện quốc gia vĩ đại được mệnh danh là kỳ tích trên Cao Nguyên đất đỏ. GiaLai còn là cái nôi của nhiều nền văn hoá lâu đời như Bahnar và Jarai thể hiện qua các di chỉ khảo cổ, qua văn hoá nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, tượng nhà mồ và các lễ hội truyền thống cồng chiêng, đâm trâu được bảo tồn đậm đà bản sắc cho đến ngày nay. Ngoài ra Gia Lai còn là vùng đất có truyền thống lịch sử hào hùng với những di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia như Nhà lao Pleiku, Làng kháng chiến Stor -- quê hương Anh Hùng Núp, quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo và các địa danh chiến trường xưa ác liệt như Đakpơ, An Khê, Hàm Rồng, PleiMe, thung lũng Iadrăng với ngọn Chưpong đã đi vào lịch sử.
Nguồn: website du lịch Gia Lai