Những cột đá kề tựa vào nhau, nằm sát mép biển thuộc xã An Ninh Đông – Tuy An – Phú Yên, trông xa như một chồng đĩa khổng lồ, bởi vậy mà nơi đây được mang tên là ghềnh Đá Đĩa. Những con sóng ở đây ngàn năm tung bọt trắng xoá như bàn tay của tạo hoá miệt mài rửa sạch bụi thời gian làm cho những khối đá vẫn giữ một vẻ đẹp nguyên sơ ban đầu. Năm 1998, ghềnh Đá Đĩa được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là thắng cảnh quốc gia. Đây là một kỳ thú hiếm thấy của thiên nhiên.
Theo các nhà khoa học ghềnh Đá Đĩa là những khối đá bazan được hình thành trong quá trình núi lửa vùng cao nguyên Vân Hoà (Sơn Hoà) hoạt động cách đây hàng trăm triệu năm. Khi núi lửa phun, những dòng nham thạch trào ra từ miệng núi lửa gặp nước lạnh bị đông cứng lại. Sau đó, chúng bị rạn nứt tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên. Những cột đá này có thân hình tròn hoặc hình đa giác xếp chồng khít vào nhau. “Chồng đĩa” thiên nhiên này rộng hàng nghìn mét vuông với nhiều cột đá khổng lồ. Tiết diện trung bình của mỗi cột đá khoảng 20-30 cm. Ở giữa ghềnh có một lõm trũng, nước mưa và nước biển đọng lại tạo thành một vũng, lâu ngày trở thành nơi cư trú của nhiều loài sinh vật, trong đó có các loài cá nhỏ nhiều màu sắc. Ghềnh Đá Đĩa có nhiều các loài sinh vật biển như cá dò, cá dìa, cá vẩu hoặc vú nàng - một loài nghêu sống bám vào ghềnh đá. Đặc biệt phải kể đến rong mứt, một loài rong biển dạt vào ghềnh, bám lại trên đá thành từng mảng. Loài dong này có vị mặn và dai.
Ghềnh Đá Đĩa là một thắng cảnh còn ở dạng nguyên sơ, chưa có các dịch vụ du lịch cần thiết, đường vào khúc khuỷu, gập ghềnh, khách du lịch phải tự mang theo hành trang cần thiết như thức ăn, nước uống... Bên cạnh ghềnh Đá Đĩa là khu vực bãi Bàng, là nơi nghỉ ngơi, cắm trại, dã ngoại lý tưởng. Đá Đĩa, bãi Bàng còn gắn liền với một địa danh phía trên đó là "Hòn đá lực lượng", một hang đá sâu và rộng có thể chứa được cả trăm người. Nơi đây lưu truyền những huyền thoại về thời chiến tranh. Khi ấy, đại đội chủ lực của ta ban ngày ẩn náu trong hang, ban đêm xuất kích, giáng cho quân thù những đòn sấm sét, bất ngờ.
Hiện nay, ghềnh Đá Đĩa cùng với bazan dạng cột Ba Làng An (Quảng Ngãi), bazan dạng cột thác Trinh Nữ (Đắc Nông) đang được Cục Địa chất và Khoáng sản đề nghị xếp hạng quốc gia trong số 20 di sản địa chất đầu tiên, đồng thời thành lập ở đây ba công viên địa chất để giới thiệu với du khách và những người ham muốn tìm hiểu về lịch sử địa chất, quá trình kiến tạo địa chất. Đây không chỉ được coi là tài sản quốc gia mà còn là tài sản của cả nhân loại. Tại Anh cũng có "Con đường của người khổng lồ" là địa danh được UNESCO ghi vào danh sách Di sản tự nhiên thế giới năm 1986 với cấu tạo tương tự như ghềnh Đá Đĩa nhưng với qui mô nhỏ hơn. Nếu không có kế hoạch bảo vệ, phát huy, các tài sản này sẽ phải đứng trước nguy cơ bị hủy hoại bởi tác động của điều kiện tự nhiên cũng như của con người.
(Nguồn: website ĐCS)