Người Việt nào cũng ước ao có 1 lần trong đời được dâng nén tâm hương đầu tiên trong năm mới tại Đền Thượng (Lào Cai), nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, trong hành trình tâm linh về với cội nguồn. Đó là nghi thức hợp đất trời và lòng người, khi hành hương đi lễ đầu năm cần bắt đầu từ điểm cao, xa nhất.
Cùng với đền Thượng, trên mảnh đất thiêng ải Bắc còn có đền Mẫu, đền ông Hoàng Bảy, đền Cấm và chùa Lê Lợi tạo nên một quần thể văn hóa tâm linh cho du khách thập phương đến dâng hương, cầu mong an lành và hưng thịnh. Rằm tháng Giêng này, Lễ hội Đền Thượng là một không gian văn hóa mới khởi đầu cho một năm đặc sắc của “Chương trình Du lịch về cội nguồn” ở Lào Cai. Lễ hội là dịp để đồng bào các dân tộc Lào Cai, du khách trong và ngoài nước cùng tụ hội. Ngoài phần lễ với những nghi thức trang trọng phần hội là những màn trình diễn văn nghệ, vũ hội dân gian, các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, cờ người, vật, kéo co… Đặc biệt, mỗi huyện, thị đều mang đến lễ hội những trích đoạn văn nghệ dân gian tiêu biểu và trưng bày sản vật mang đậm nét vùng cao.
Đến Lào Cai không thể không đến Sa Pa - vùng đất mộng tưởng. Là mây, là gió, là sương mù, là đèo cao, dốc đứng mà chỉ cần ngắm, thở thôi Sa Pa, cũng đáng để vượt cả trăm, ngàn cây số đến nơi đây. Thế nhưng, Sa Pa còn có những ngôi nhà cổ kính với kiến trúc Pháp cả trăm tuổi; có Vườn Hồng, Thác Bạc, Cầu Mây, Bãi đá cổ, bản Cát Cát… mang cảnh sắc thiên đường; có những bản làng người Mông luôn rộng mở chào đón bất cứ ai tìm đến nếp sống đặc trưng của dân tộc; có đỉnh Phansipan hùng vĩ – nóc nhà của Đông Dương là niềm khát khao của những bước chân chinh phục; có thung lũng Mường Hoa đẹp như mơ, như say trải dài bên sườn núi Hoàng Liên hùng vĩ; có phiên chợ tình đi vào huyền thoại. Thị trấn chìm trong mây trắng biến ảo lạ kỳ dù là xuân, hạ, thu, đông vẫn hút hồn du khách thập phương. Năm nay, bất thường xuân đến muộn với cả Bắc bộ, nên ra Giêng rồi mà Sa Pa vẫn ngập trong giá buốt. Những ngày trắng xóa trong triệu triệu bông hoa băng lấp lánh, thị trấn vẫn nườm nượp du khách kéo lên để một lần được nhìn thấy hiện tượng kỳ thú này. Sa Pa có đóng băng, có tuyết rơi nhưng mọi người đến đây không sợ lạnh bởi những đốm than hồng hơ ấm tay của cô gái quạt ngô, khoai bày khắp phố; những khách sạn, nhà nghỉ có hệ thống sưởi theo truyền thống dân tộc luôn ấm áp; và tình người nồng ấm, hiếu khách của người dân.
Từ Lào Cai, xuôi Quốc lộ 70 về Bắc Ngầm, qua xã Bảo Nhai là đến Bắc Hà. Giờ này Bắc Hà mới trắng hoa mận, hoa mơ, bởi cũng theo mùa đến muộn. Vùng đất được mệnh danh là “Cao nguyên trắng” khi xuân về khiến người ta phải lòng bởi phiên chợ đặc trưng vùng cao, bởi những bát thắng cố lạ miệng, bởi hương rượu Bản Phố thơm lừng, say đắm đuối; bởi nụ cười rạng rỡ, háo hức của chàng trai, cô gái, cụ già, em nhỏ như xua tan đi cái lạnh hoang hoải miền núi. Đúng là Tây Bắc đây rồi! Ngược dòng sông Chảy để ngắm cảnh Hang Tiên, thăm đền Trung Đô, rừng tự nhiên Cốc Ly với những cây gỗ quý hiếm hàng trăm năm tuổi độc nhất, là cái duyên của bất cứ ai đặt chân đến Bắc Hà. Bản Phố người Mông với nghề nấu rượu ngô và dệt thổ cẩm chắc chắn sẽ khiến du khách mê mải. Cùng hòa mình vào những vòng xòe và nhịp trống chuông trong ngày hội Lồng Tồng (Xuống Đồng), hội đua ngựa ở Tả Chải, Na Hối mừng xuân. Năm nay, ngành du lịch Lào Cai kết hợp với UBND huyện Bắc Hà liên tục mở hội tái hiện lại phục vụ du khách thập phương đến thưởng ngoạn, khám phá. Bắc Hà sáng chủ nhật là thời điểm rạng rỡ nhất, náo nhiệt nhất. Phiên chợ vùng cao là một bức tranh khổng lồ về sắc phục và hàng hóa. Vải vóc, quần áo thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc; măng rừng, ngô, khoai, gạo, rau cỏ, hoa lá, dược thảo, gia súc, gia cầm, hàng thủ công… bày bán la liệt. Dãy hàng ăn với món thắng cố đặc trưng nghi ngút khói và nườm nượp người qua lại. Điều đặc biệt khi vào chợ Bắc Hà có thể nếm rượu ngô ngọt lử thoải mái đến say ngất ngư thì thôi, cho dù không mua vẫn nhận được nụ cười mến khách của người bán hàng. Hết phiên chợ mà bụng chưa no thắng cố, người chưa say rượu Bản Phố thì chưa phải là qua Bắc Hà.
Du xuân trên đất Lào Cai mọi người cũng không quên đem một chút gì đó của miền sơn cước về làm kỷ niệm. Thì đây, các cô, các chị có thể chọn cho mình những miếng thổ cẩm ở Sa Pa hoặc Bắc Hà. Thổ cẩm “xịn” phải do chính tay phụ nữ dân tộc thêu tay mất vài tuần, đường nét hơi thô, tối nhưng màu sắc rất hài hòa. Chút quà là những món thảo dược quý như cam thảo, bạch truật, ngũ gia bì, đương quy, xuyên khung, đỗ trọng, bát mộc hương… thích nghi với khí hậu Sa Pa nên có nhiều, đã được sắp đủ thang, đủ vị cho người già, rất bổ và lành. Mật ong rừng, rượu táo mèo cũng là món quà quý đặc trưng của vùng đất Lào Cai dành cho du khách.
Lào Cai lúc nào cũng đắm say lòng người, ẩn chứa vẻ đẹp khơi gợi đam mê khám phá, nhất là trong những chuyến du Xuân lên vùng Tây Bắc năm nay.
(Nguồn: HNM)