Với ưu thế về vị trí địa lý và kết cấu hạ tầng cơ sở vào loại tốt nhất cả nước, TP. Hồ Chí Minh trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, tài nguyên du lịch tự nhiên của thành phố còn tương đối hạn chế vì vậy việc liên kết với các tỉnh – thành tạo ra những sản phẩm liên vùng là hết sức cần thiết.
Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ quốc tế đón khách du lịch bằng đường hàng không, đường biển và là đầu mối giao thông đường bộ trung chuyển khách của khu vực Tây – Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, với vị trí là Trung tâm kinh tế - văn hóa – tài chính – thương mại – dịch vụ vào loại tốt nhất cả nước như hệ thống các khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch, phương tiện vận chuyển và đội ngũ cán bộ - nhân viên ngành du lịch được đào tạo bài bản và nhiều kinh nghiệm, thành phố là nơi đáp ứng khá tốt nhu cầu của khách du lịch đặc biệt là khách cao cấp.
Trong năm 2007, Thành phố đã đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 15% so với năm trước. Khách quốc tế tới thành phố chủ yếu là khách có mức chi trả khá cao đến từ các nước như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Pháp, Canada, Nga… Tổng doanh thu du lịch trong năm vừa qua là 24.000 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2006.( Năm 2007 cả nước đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 56.000 tỷ đồng).
Song trên thực tế, tài nguyên du lịch tự nhiên của Thành phố còn tương đối hạn chế và việc liên kết với các địa phương khác trong việc tạo ra những sản phẩm du lịch liên vùng, nhằm khai thác triệt để những tiềm năng cũng như lợi thế du lịch của các địa phương, bổ sung và thúc đẩy sự phát triển đồng bộ là vô cùng cần thiết.
Cho tới nay, Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với 17 tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Đăk Nông, Đăk Lak, Gia Lai, Kon Tum. Việc hợp tác được triển khai trên nhiều lĩnh vực như quy hoạch, đầu tư; Quảng bá, xúc tiến; Phát triển sản phẩm du lịch; Đào tạo nguồn nhân lực.
Một ví dụ cụ thể về kết quả đạt được trong sự liên kết với các địa phương khác thời gian qua của du lịch Thành phố chính là sự phối hợp với Sở Du lịch Bình Thuận, Sở Du lịch - Thương mại Lâm Đồng hình thành Tam giác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh – Phan Thiết – Đà Lạt. Ba bên đã có những cuộc họp bàn thống nhất nội dung hợp tác và vào cuối tháng 7/2007 đã tổ chức lễ ký kết chương trình hợp tác giữa 3 địa phương tại Bình Thuận.
Có thể nói, việc hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh – thành phố trong thời gian qua đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh thì nội dung liên kết hợp tác vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý ngành giữa 2 địa phương. Một số nội dung trong các bản ký kết còn chưa thực hiện được do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau.
Trên lĩnh vực quy hoạch, đầu tư du lịch, sự hợp tác giữa Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh với Sở Du lịch, Sở Thương mại các địa phương chủ yếu được tổ chức dưới dạng các đoàn khảo sát, hỗ trợ tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư du lịch. Các công ty của TP Hồ Chí Minh đầu tư vào du lịch các tỉnh chưa nhiều. Một trong những nguyên nhân là do địa phương chưa quảng bá, kêu gọi đầu tư nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Việc khai thác sản phẩm du lịch mới trong liên kết với các địa phương hiện nay của các công ty du lịch TP.Hồ Chí Minh chủ yếu là các sản phẩm truyền thống, các tour, tuyến còn chưa phong phú. Điều này có nhiều nguyên nhân song do cơ sở hạ tầng, dịch vụ tại điểm du lịch ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách du lịch, đường xá còn khó khăn được xem là nguyên do cơ bản nhất.
Trên thực tế, việc đào tạo, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ những người làm du lịch được các địa phương rất quan tâm song do hạn chế về nguồn kinh phí nên chủ yếu dừng lại ở việc tư vấn, giới thiệu đối tác hoặc mời các tỉnh tham gia các lớp bồi dưỡng về du lịch do Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh tổ chức.
Từ những kết quả đạt được, những hạn chế và triển vọng của sự hợp tác, Sở Du lịch Thành phố đã xây dựng định hướng công tác hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong giai đoạn 2007 – 2010.
Trước hết là việc rà soát lại tình hình hợp tác phát triển để có kế hoạch cụ thể, làm sao cho việc liên kết đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả.
Sở cũng sẽ tiếp tục triển khai việc ký kết hợp tác trên lĩnh vực du lịch với các địa phương theo chủ trương của UBND TP.Hồ Chí Minh nhưng có chọn lọc dựa trên tiềm năng du lịch và khả năng hợp tác với từng địa phương. Dự kiến trong Quý I/2008 Sở sẽ triển khai chương trình ký kết với các tỉnh phía Bắc và trong Quý II/2008 sẽ ký với các tỉnh như: An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang.
(Nguồn: ĐCSVN)