Nam Định nằm ở phía Nam châu thổ sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội 90km. Nam Định có bề dày lịch sử - văn hóa và là nơi phát tích của Vương triều Trần nên có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như khu di tích nhà Trần, chùa Tháp, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, Phủ Dày...
Nơi đây còn được biết đến với Vườn quốc gia Xuân Thủy - một khu dự trữ sinh quyển thế giới do Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Vườn quốc gia Xuân Thủy còn là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước theo công ước Ramsar) của Việt Nam. Đây là một điểm du lịch sinh thái thú vị, phù hợp với việc khám phá thiên nhiên hoang dã và tìm hiểu về những loài chim di trú. Vào tiết cuối thu, đầu đông, du khách đến với Vườn quốc gia Xuân Thủy sẽ được nhìn thấy những đàn chim di trú bay về đây sinh sống. Vườn quốc gia Xuân Thủy có “ba điều nhất” - đó là: Đa dạng sinh học cao nhất, năng suất sinh học lớn nhất và cũng là hệ sinh thái nhạy cảm nhất.
Vườn quốc gia Xuân Thủy có tới 105 loài thực vật bậc cao, trong đó có 20 loài thích nghi với điều kiện sống ngập nước; trên 200 loài chim, trong đó có trên 100 loài chim di trú, 50 loài chim nước. Đặc biệt, một số loài chim nước quý hiếm trong sách đỏ quốc tế cũng có mặt ở đây như cò thìa, mòng bê mỏ ngắn, cò lạo Ấn Độ, choắt mỏ thìa, bồ nông, choắt mỏ vàng, cò trắng Trung Quốc. Ở Việt Nam, hầu như chỉ có thể bắt gặp cỏ thìa và Choi Choi mỏ thìa ở Vườn quốc gia Xuân Thủy (ước chiếm tới 20% số lượng cá thể hiện có của Thế giới). Vườn còn có trên 500 loại động vật thủy sinh, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế như: tôm, cua bể, nghêu, rong câu chỉ vàng, trên 10 loài thú, trong đó có 3 loại thú quý hiếm ở nước như cá heo, cá đầu ông sư, rái cá... cùng với hàng trăm loại bò sát, côn trùng và lưỡng cư khác đã tạo lên bức tranh về đa sinh học rất độc đáo và vô giá.
Vườn có bốn khu chính là bãi Trong, cồn Lu, cồn Xanh và cồn Ngạn, trong đó cồn Lu là nơi hấp dẫn du khách nhất. Khách có thể đi bằng tàu cao tốc để đến cồn Lu. Băng qua những rặng phi lao xanh ngắt và cánh đồng nước trải dài, khách có thể tận mắt ngắm nhìn những cánh cò chao liệng trên mặt nước. Tàu ghé lại, khách sẽ đặt chân trên bờ cát trắng trải dài để cảm nhận sự dễ chịu, thân thiện của thiên nhiên.
Hầu hết người dân sống trong Vườn quốc gia Xuân Thủy đều nhận thức rất rõ vai trò và tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn, sự cần thiết bảo vệ đê biển, phòng chống thiên tai, cải thiện nguồn tài nguyên thiên nhiên nên tuân thủ khá nghiêm ngặt các nguyên tắc bảo vệ rừng và chim muông. Chính vì vậy, hình ảnh những đàn chim dàn hàng tỉa lông tỉa cánh hay thong thả lặn ngụp kiếm mồi thường xuất hiện như một “bảo chứng” để ngành du lịch Nam Định mời gọi du khách trong nước và quốc tế.
Các nhóm du khách đến tham quan Vườn quốc gia Xuân Thủy thường nghỉ đêm tại vườn để có dịp ngắm bình minh và hoàng hôn –thời điểm vườn quốc gia đẹp nhất. Nếu nghỉ lại, khách có thể trang bị cho đoàn vài chiếc lều, bạt căng giữa rừng và đốt lửa trại, để cảm nhận những giây phút gần gũi với thiên nhiên. Sáng sớm, khi ánh bình minh vừa ló dạng, khách có thể được đánh thức bởi tiếng ríu rít của đàn chim. Những tia nắng đầu tiên của ngày mới lấp lánh trên mặt nước khi cồn Lu thức dậy trong hương vị rất riêng của biển, của rừng đầy sự bí ẩn và hấp dẫn.
Nếu đến Vườn quốc gia Xuân Thủy, du khách sẽ không quên những món ăn đậm đà vị biển như don xào hành, răm, canh ngao nấu khế, tôm bề bề và nhiều loại hải sản khác.
(Nguồn: Vietnamnet)