Bắc Giang, vùng đất "phên dậu" của Tổ quốc không chỉ nổi tiếng về truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất mà còn là nơi bảo tồn được nhiều lễ hội văn hoá dân gian truyền thống cho đến ngày nay. Là tỉnh miền núi, Bắc Giang đang phát huy thế mạnh, tiềm năng phát triển du lịch.
Đến với Bắc Giang, du khách sẽ hài lòng bởi truyền thống văn hoá lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên và những con người đôn hậu. Xin giới thiệu một số điểm du lịch lễ hội văn hoá sinh thái nổi tiếng của Bắc Giang được tổ chức hàng năm, đặc biệt là vào dịp đầu xuân.
Hội chùa Bổ Đà (Việt Yên)
Được tổ chức trong ba ngày (16, 17, 18 tháng Hai âm lịch) tại khu vực núi Bổ Đà thuộc xã Tiên Sơn (Việt Yên). Đến hội Bổ Đà du khách được thăm quan một vùng danh lam thắng cảnh với các truyền tích, huyền thoại về đá, về một trung tâm Phật giáo lớn ở Bắc Giang. Đến đây bạn sẽ được thấy núi non sơn thuỷ - hữu tình; tục thờ đá rất cổ kính, một ngôi chùa trăm gian ẩn mình giữa rừng cây, lá và cuộc sống của các nhà sư tu hành nơi thiền viện.
Đền Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương (Lục Nam)
Thắng cảnh Suối Mỡ có ba đền thờ là: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng thờ thánh mẫu Quế Mỵ Nương. Vào ngày hội, dọc theo dòng suối đi lên ta sẽ chứng kiến vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng nơi đây. Suối Mỡ hiện nay đã, đang được đầu tư trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Hàng năm hội đền Suối Mỡ được tổ chức vào ngày 1/4 âm lịch và kéo dài đến hết mùa hè.
Hội Yên Thế
Hội Yên Thế bắt đầu từ sáng ngày 16/3 (dương lịch) bằng màn khai hội và dâng hương của các hậu duệ họ Hoàng và người dân trong vùng tưởng niệm người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế. Hội Yên Thế chính thức mở năm 1984. Đền Phồn Xương xưa nay là khu di tích đồng thời là nơi mở hội hàng năm thu hút đông đảo khách tham quan. Đây là nét văn hoá tiêu biểu của người dân vùng Kinh Bắc.
Hội hát dân ca ở Khuôn Thần
Đây là hội hát dân ca của người Sán Chí xã Kiên Lao (Lục Ngạn) được tổ chức vào ngày diễn ra phiên chợ 18/2 âm lịch. Trước khi vào hội, bạn trẻ các nơi trong huyện và tỉnh Lạng Sơn đã về dự từ hôm trước. Người Sán Chí đón bạn hát về nghỉ ngơi, xơi rượu và hát. Từ hội hát dân gian truyền thống này, huyện Lục Ngạn đã mở rộng thành ngày hội hát cho toàn huyện được tổ chức hàng năm. Khu du lịch Khuôn Thần được chọn làm địa điểm tổ chức ngày hội hát. Với phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, khu du lịch Khuôn Thần đã thu hút nhiều du khách về thưởng ngoạn, trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Hội Y Sơn (Hiệp Hoà)
Hội đền chùa Y Sơn (hay còn gọi là YA) được tổ chức vào dịp xuân thu, nhị kỳ 15 tháng Giêng hàng năm tại xã Hoà Sơn. Nơi đây thờ đức thánh Hùng Linh, người có công giúp vua Hùng dẹp giặc Ân mang lại bình yên cho đất nước. Trong lễ hội, 5 cỗ voi gỗ, 10 cỗ ngựa gỗ to như thật đặt lên bánh xe gỗ để di chuyển. Trên voi, ngựa đều có quản tượng, nữ tướng cưỡi có lọng che. Đặc biệt trong lễ hội còn có tục khám tướng. Ngoài các cuộc tế lễ, dẫn rước theo nghi thức cổ truyền hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như đánh cờ người, nhảy phỗng, bịt mắt bắt dê (dê thật). Sau hơn 50 năm mai một, lễ hội đền chùa IA hiện nay đã được khôi phục, thu hút đông đảo du khách gần xa.
Hội Tiên Lục (Lạng Giang)
Tiên Lục nổi tiếng với cây dã hương ngàn năm tuổi cùng quần thể di tích đình, chùa, đền Hội, đình Tiên Lục được tổ chức vào các ngày từ 17 đến 20/3 (âm lịch) hàng năm. Hội chủ yếu diễn ra ở khu vực đình cây Dã, đình Thuận Hoà và chùa Phúc Quang với nhiều hoạt động văn hoá mang đậm bản sắc như: Lễ Rước kiệu với đủ siêu dao, bát bửu múa theo nhạc sinh tiền; hội cướp cầu, kéo co, thi cỗ, dự cỗ hương ẩm. Cây dã hương cùng quần thể di tích vừa được Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng tạo thành điểm du lịch hấp dẫn.
(Nguồn Bắc Giang) |