Dray Sap theo tiếng Êđê nghĩa là Thác Khói, thuộc xã Nam Đà (nay là xã Đak Sor) nằm về phía bắc huyện Krông Nô thuộc tỉnh Đak Nông, cách thành phố Buôn Ma Thuột 27 cây số. Dray Sap còn hoang sơ, nhưng lại là một trong những thác đẹp trên sông Xêrêpốc - dài hơn 25km, chảy qua địa phận xã Nam Đà.
Khu du lịch Dray Sap rộng khoảng 1.800 ha, trực thuộc Công ty Thương mại & Du lịch tỉnh Đak Nông. Đây là khu rừng phòng hộ đầu nguồn, có nhiều loại cây gỗ quí hiếm cao to, phủ trùm bóng mát. Nơi đây có 3 con thác chính tạo thành một quần thể thác, bao gồm thác Gia Long, Dray Nu và Dray Sap. Trong đó, thác Gia Long từ thượng nguồn đổ về, tẻ ra làm 2 nhánh là Dray Sap (còn gọi là sông đực) và Dray Nu (sông cái). Từ thác Gia Long về Dray Sap có con đường nội bộ dài khoảng 4 cây số, rộng 2 thước, đã được gia cố xi măng, dành cho người đi bộ. Con đường nhựa từ cổng đi thẳng vào khu du lịch, dài 6 cây số. Từ Dray Sap sang Dray Nu khoảng độ trăm rưỡi thước, có cầu treo vượt thác... Đứng trên cầu treo, nhìn về Dray Sap, nghe tiếng thác reo, và thấy như có lớp sương khói bốc lên, lan tỏa trong không gian tạo nên vẻ huyền ảo, lung linh của cảnh vật. “Thác Khói” là dòng Xêrêpốc - như một bức tường nước trắng xóa, với bề ngang xấp xỉ 80 thước - từ độ cao hơn 10 mét đổ xuống gần như là thẳng đứng. Những ngày thượng tuần tháng 11 Dương lịch còn mùa mưa lũ nên dòng thác cuồn cuộn nước, du khách không thể đến gần chân thác. Từ Dray Nu trở lại cầu treo, xuống dốc cầu, rẽ trái theo đường nội bộ phía đối diện Thác Khói sẽ phải vượt qua một đoạn dốc rất trơn trợt do vô vàn hạt nước bắn li ti suốt ngày đêm, tạo nên lớp sương mờ. Trong lớp “sương nước” và bóng râm của những tàng cây cổ thụ thật cao to; cẩn trọng, dò dẫm từng bước chân trên từng khối đá ong lỗ chỗ hằn dấu thời gian mà cứ ngỡ đi trong huyền thoại... Chuyện kể rằng:
“H’My, một người con gái dân tộc Ê-đê và người yêu của mình vẫn ngày ngày cùng nhau đi làm rẫy. Một hôm, khi họ đang ngồi nghỉ trên một tảng đá thì bỗng trông thấy một con quái vật đầu to như quả núi; mắt lớn như chiếc nồi đồng; râu dài; răng nhọn và toàn thân có vẩy lấp lánh như ánh bạc – đang bay lượn trên trời và bất thần lao xuống... Trong lúc gió nổi lên cuồn cuộn, cây cối ngả nghiêng, quái vật lao thật mạnh và cắm vòi xuống đất. Thế rồi, từ nơi ấy phụt lên một cột nước khổng lồ, kéo theo cả người con gái đang khiếp hãi. Riêng chàng trai bị bắn dạt đi, đau đớn, bất lực nhìn người yêu đã tan biến vào lớp sương mù cùng ánh bạc lấp lánh. Trước khi bay mất, con quái vật còn xòe đôi cánh lớn lượn mấy vòng và phun nước tạo nên một cơn mưa dữ dội. Từ đó, chàng trai biến thành một thân cây to như dáng người đang đưa tay than khóc, gốc cây cắm sâu vào ghềnh đá... Những người dân trong vùng truyền miệng rằng: Thỉnh thoảng, họ lại nhìn thấy từ trên trời phía đầu thác có một đám mây trắng giống hình cô gái đang sà xuống ôm ấp lấy thân cây cổ thụ kia. Và cứ mỗi lần đám mây kỳ diệu ấy xuất hiện thì ở vùng thượng nguồn con thác lại có mưa to và gió giật...”. Trên dòng sông Xêrêpốc thơ mộng có không biết bao nhiêu là câu chuyện tình. Ở Dray Sap cũng vậy, mỗi gốc cây, tảng đá... đều có những câu chuyện cảm động, khó quên về tình yêu lứa đôi, sự thủy chung, và ngang trái... khiến nước mắt chảy thành sông, thành thác.
Đường cáp quang nối khu du lịch Dray Sap đang làm lên thác Gia Long, hơn 5 cây số. Công ty Thương mại & Du lịch tỉnh Đak Nông đang kêu gọi đầu tư, liên kết các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư phát triển Khu du lịch Dray Sap trở thành khu du lịch sinh thái... Hy vọng số du khách đến với Dray Sap - một địa chỉ du lịch trữ tình của Tây Nguyên - không chỉ ở mức bình quân bảy, tám chục ngàn lượt người trong một năm như hiện nay.
(Nguồn: Báo Cần Thơ)