Mở đầu cuộc diễn là một bà nhiều tuổi nhất trong gia đình đứng ở đầu cối, giã ba tiếng để mở màn nghe như "kênh, kênh, kình". Chày người già giã khai mạc gọi là chày "cái". Tiếp đó là con gái, cháu gái trong nhà giã gọi là các "chày con", "chày cháu".
Trong nhà có bao nhiêu phụ nữ là phải chuẩn bị bấy nhiêu cái chày và đủ số cụm lúa để giã. Ngoài đình, vào buổi sớm đầu năm, khi có tiếng trống cất lên, thế là nhà nào nhà nấy đều đâm đuống. Tiếng đuống reo vui, khắp xóm làng rộn ràng.
Người đâm đuống tay phải cầm chày, tay trái cầm cụm lúa vừa đâm vừa trở lúa mà vẫn giữ đúng nhịp điệu, hòa âm nhịp nhàng cùng hàng trăm chày khác với âm thanh "kênh, kênh, kình". Từ âm thanh đó, đồng bào lại truyền nhau đó là tiếng hát "vui xuân mới" hoặc "cơm cơm trắng, cơm cơm trắng".
Đồng bào Mường, Phú Thọ chỉ tổ chức chàm thau vào tháng giêng và tháng bảy âm lịch trong lễ hội cầu mùa tháng giêng, chàm thau thường tổ chức vào ngày mùng 7, tháng bẩy lại vào ngày rằm.
Trong những ngày đó, tại bãi hội, người ta làm giá treo trống bằng một cái sào đặt trên những cây tre bắc chéo nhau ở hai đầu sào. Trống đồng có quai treo, đáy rỗng, mặt xòe, thân thon, treo lên và dây treo buộc vào chỗ đầu sào gác lên giá treo. Dưới đáy trống, người ta đào một hố nông vừa đường kính đáy trống. Khi đâm đuống, tiếng trống sẽ vọng từ hố lên. Trò chàm thau cũng có người "cái", người "con". "Cái" cầm dùi đâm xuống mặt trống, còn "con" chỉ cầm một dùi. Mỗi lần, một hoặc hai cặp "con", có khi cặp nam cặp nữ cùng đánh tiếng. Những người chàm thau tay đâm nhịp nhàng, thân hình uyển chuyển. Chàm thau cũng có nhịp điệu, thay đổi tiết tấu như chàm đuống.
Tục đâm đuống ở Mường Tằn (gồm các xã Xuân Đài, Kim Thượng, Xuân Sơn có nét độc đáo và đặc biệt. Ở đây cái máng đâm lúa được gọi là Đuống. Lệ đâm đuống chỉ có một tục của nó lại có đến bốn. Tiếng đuống ở Mường Tằn tuân theo một luật nghiêm ngặt. Nhìn chung âm hưởng của tiếng đuống chỉ có hai nhịp một chắc nịch, thong thả nhịp 2/5 ồn ã, khoáng đạt nhộn nhịp.
Đâm đuống ở Mường Tằn chia thành lệ và tục vì :
- Lệ : Có nghĩa là ngày nào cũng có.
- Tục : Chỉ có kỳ hạn, thời gian, có quy ước rõ ràng.
Hàng ngày, cứ từ 4 giờ sáng ở Mường Tằn rộn rã tiếng phịch ! phịch ! Lung - cung cung - phịch ! phịch lung - cung - kinh! … ồn ã khắp mường. Đây là tiếng đuống của những người đàn bà con gái trong mường. Tiếng phịch, phịch, phịch là tiếng chày tay đâm xuống cụm lúa bông. Linh - cung - cung là tiếng chày khua vào thành đuống cho những hạt thóc đã rời bông lọt xuống dưới đáy đuống, tránh bị bóc vỏ, lòng trần.
Tiếng phịch ! phịch ! phịch lung cung, cung nhanh hay chậm phụ thuộc vào sức khỏe của người đâm đuống.
Các chàng trai Mường Tằn thời xưa, khi chưa lấy được vợ, thường phải dậy sớm ngồi trước bếp lửa dỏng tai nghe tiếng đuống. Người Mường Tằn thường đâm lúa làm gạo vào giờ ấy còn những giờ khác trong ngày, khi có tiếng đuống, chắc chắn là trong mường có người ốm đau hoặc có công việc đột xuất.
Tục đâm đuống Mường Tằn trước hết phải kể đến chạm đuống đâm ngày mồng 3 rạng ngày 4 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Trong thực tế, tục trạm đuống này hoàn toàn mang tính chất tượng trưng, ước lệ.
Ở Mường Tằn, máng được làm từ thân cây gỗ tròn đẽo vuông lấy đục khoét thành lòng máng. Máng thường dài trên 2m mới đủ chỗ cho đàn bà con gái trong nhà đứng đâm lúa. Thông thường máng dài từ 1,2m đến 1,5m. Trong ngày lễ, có thể lòng đuống không có thóc bông, thóc hạt. Người có trách nhiệm chạm đuống phải chuẩn bị hai chiếc chày nhỏ hơn chày tay dùng hàng ngày và được đẽo gọt cẩn thận.
Khi lệnh chạm đuống phát ra, người cao tuổi nhất trong đâm đuống lao cả hai chày vào lòng đuống cùng một lúc lấy nhịp cúp! cụp! mọi người quanh đuống, cùng một lúc khua vào thành đuống tạo nên âm thanh nhộn nhịp suốt ngày 4 tháng giêng.
Tục đâm đuống của đồng bào Mường Phú Thọ là một tục lệ đẹp, thiết thực, biểu hiện tấm lòng trân trọng thành quả lao động của con người trong sản xuất nông nghiệp và sự đoàn kết giữa người với người trong bản Mường./.