Với tập quán sinh sống chủ yếu ở các khu vực vùng cao, vùng xa và định cư ở những nơi sườn đồi, ven núi, hiện nay một số xã của huyện Văn Bàn có tỷ lệ đồng bào Dao đỏ sinh sống nhiều như Nậm Tha, Nậm Dạng, Dần Thàng, Nậm Xây, Thẳm Dương... Riêng xã Khánh Yên Thượng, dân tộc Dao đỏ sống tập trung chủ yếu ở thôn Nậm Cọ. Khi tiếp xúc và được ngắm nhìn những người phụ nữ xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu và những người đàn ông thường mặc bộ chàm đen… nhưng dù trang phục của nam hay nữ cũng sẽ thấy được những hoạ tiết hoa văn thêu thùa rất đặc trưng.
Hầu hết phụ nữ đồng bào Dao đỏ vẫn gìn giữ được nét đẹp độc đáo của truyền thống thêu thùa. Đến tuổi thiếu niên, một trong nhiều công việc người mẹ hướng dẫn cho con gái mình là học thêu. Những ngày đầu tiên khi mới tập thêu, đường kim mũi chỉ tuy còn lúng túng, vụng về, nhưng cũng bắt đầu từ đó, ngoài công việc hàng ngày, những thiếu nữ Dao đều tranh thủ mọi lúc để việc học thêu ngày càng trở nên thành thạo hơn, dần đạt đến độ tinh xảo như các thế hệ đi trước. Mọi cô gái người Dao đều phải học thêu, biết thêu, dường như đó là một điều gắn liền với cuộc sống của họ.
Ngày nay, các phương tiện phục vụ cho việc may mặc và các loại vải đã rất sẵn có, nhiều trang phục may sẵn phong phú trên thị trường. Nhưng đối với đồng bào Dao đỏ thì hầu hết vẫn duy trì nét văn hoá thêu thùa, tự làm trang phục truyền thống cho mình và những thành viên trong gia đình. Công việc đó như một tiêu chí vô cùng quan trọng để những chàng trai người Dao đánh giá khi lựa chọn một cô gái làm vợ và bố mẹ chồng khi quyết định có chọn cô gái đó về làm dâu nhà mình. Nếu không biết thêu thùa cũng đồng nghĩa với việc cô gái đó là người chưa thật sự đảm đang, khéo léo. Trước đây, mỗi cô gái Dao khi về nhà chồng thường sắm cho mình hơn 10 bộ quần áo thêu, nay mỗi người cũng chuẩn bị cho mình 5 - 7 bộ quần áo truyền thống, nhưng đồng bào vẫn giữ quan niệm càng thêu được nhiều bộ quần áo thì càng được đánh giá là đảm đang hơn.
Hỏi chuyện một phụ nữ Dao ở thôn Nậm Cọ (xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn) chị cho biết, mỗi bộ quần áo thêu xong cũng phải tính thời gian hàng năm!
Chắc có lẽ vì công việc này cần sự khéo léo, tỉ mỷ, cầu kỳ, nên ngoài lo toan công việc đồng áng, nương rẫy, khi có chút thời gian sau bữa cơm hoặc trước lúc lên nương, khi đi làm đồng ngồi nghỉ dưới bóng mát, các bà, các chị lại tranh thủ cặm cụi, mải miết thêu bất cứ lúc nào. Những bộ trang phục truyền thống này khi đã thêu và may xong, được đồng bào Dao mặc trong những ngày lễ tết, hội vui của bản làng, hoặc khi trong gia đình, dòng họ có cưới hỏi... Vì thế, càng những ngày cuối năm vừa bộn bề lo toan sắm sửa cho gia đình có một cái tết thật tươm tất, những phụ nữ Dao càng bận bịu hơn, vội lo xong bộ quần áo mới để chồng, con kịp mặc trong những ngày du xuân đầu năm.
Thêu thùa hoa văn trang phục truyền thống được những phụ nữ Dao đỏ tiếp tục phát huy và gìn giữ, đã khẳng định thêm cho sự đảm đang, khéo léo, tinh tế của người phụ nữ Dao và từ đó gìn giữ thêm cho sự phong phú, đa dạng của bản sắc văn hoá trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.