Nhắc đến làng cổ Bát Tràng người ta không chỉ hình dung ra một khung cảnh yên bình của những làng quê Việt Nam xưa, mà còn nhớ đến những giá trị vật chất và tinh thần, đó là những sản phẩm gốm sứ nổi tiếng. Còn một đặc trưng nữa mà ít người biết đến đó là đặc sản canh măng mực, một món ăn đã trở thành truyền thống mà duy nhất chỉ ở Bát Tràng mới có.
Để có được bát canh măng mực ngon là cả một nghệ thuật. Nguyên liệu chuẩn bị rất công phu, cầu kỳ, công đoạn chế biến tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự khéo léo cũng như kinh nghiệm, kỹ thuật của người làm.
Trước hết cần chọn được măng khô và mực khô ngon. Măng chọn những miếng vàng, mực chọn những con dày, trắng. Cầu kỳ và tốn thời gian nhất là công đoạn tước măng và mực. Trước khi xé măng mực cần ngâm trong nước nửa ngày. Măng khô cắt bỏ phần già và ngọn non, cắt đốt và xé thành những sợi nhỏ như tăm. Người dân Bát Tràng thường dùng tay để xé, cũng có thể dùng dao hoặc kim băng.
Mực đem cắt râu, đầu, ngâm rồi rửa sạch để ráo và cũng xé nhỏ như măng. Hoặc rửa sạch mực, nướng thơm rồi xé bông. Trước khi cho măng mực vào nồi nước dùng cần phi hành khô và xào hai nguyên liệu này với mỡ, gia vị và một chút đường trắng.
Bí quyết để món canh ngon hơn là măng sau khi tước nhỏ xong thì đem ngâm qua nước lạnh rồi cho vào nồi luộc cho nước sôi liu riu, sau đó vớt ra vắt sạch nước rồi mới xào.
Có măng, mực thôi chưa đủ, để trở thành món canh măng mực “danh bất hư truyền” cần phải có nồi nước dùng ngon ngọt. Nước dùng được chế biến từ xương lợn, gà, thịt ba chỉ… ninh nhừ. Khi nước dùng ngọt và nêm gia vị thì cho măng mực vào ninh tiếp khoảng 30-45 phút là được.
Bát canh măng mực múc ra phải có màu vàng ươm, nước dùng phải trong và ngọt lịm. Khi ăn măng mực sẽ giòn giòn, dai dai và mềm cùng hương thơm hấp dẫn. Canh măng mực được người dân sử dụng trong những ngày lễ hội, giỗ tết, đám cưới hỏi… như một nét đặc trưng riêng có của nơi đây.
Bát Tràng cách trung tâm Hà Nội không xa. Nếu có dịp tới thăm làng cổ này, bạn đừng quên thưởng thức món canh độc đáo này.