Ngày 15/10/2010, Sở VHTTDL Điện Biên đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tháp Mường Luân.
Tháp Mường Luân thuộc bản Mường Luân, xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điên Biên) được xây dựng vào giữa thế kỷ XVI. Qua hơn 400 năm trường tồn, sự tác động của thiên nhiên và con người, toà tháp cao 15,5 m bị nghiêng về phía Đông Bắc, chân tháp nhiều vị trí bị xói lở, bệ móng bị đứt gẫy, đỉnh tháp bị vỡ nham nhở.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Điện Biên đã quyết định đầu tư trên 5 tỷ đồng để bảo tồn tôn tạo di tích tháp Mường Luân với mục tiêu giữ gìn nguyên gốc và các giá trị chân xác của công trình nghệ thuật kiến trúc cổ...
Việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa tháp Mường Luân chủ yếu tập trung vào việc chống nghiêng thân tháp. Sau hơn một năm triển khai thi công, bằng nhiều phương pháp tiên tiến như ép cọc xuống nền đá cứng bao quanh móng tháp, xây dựng hệ thống kè ba mặt nhằm giữ ổn định nền đất, chống xói lở... tháp Mường Luân đã được định hình và xử lý triệt để sự cố nghiêng thân tháp mà vẫn giữ được nguyên vẹn toàn bộ khối kiến trúc.
Tháp Mường Luân có kiến trúc theo hình vuông, dưới to, trên nhỏ dần. Tháp có cấu tạo hai phần rõ rệt gồm bệ tháp và thân tháp. Với các họa tiết cách điệu chìm nổi có hình hoa sen, chim bay, hoa lá, rồng cuốn cộng với việc sử dụng vật liệu phong phú như gạch, vôi, mạch mía để xây dựng đã làm cho tháp Mường Luân càng có giá trị thẩm mỹ và nghiên về kiến trúc-văn hóa cổ. Tháp Mường Luân đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp I, cấp quốc gia từ năm 1980.
Nguồn: website Cinet