Từ Phan Rang du khách đi ô-tô lên hướng TP. Ðà Lạt theo quốc lộ 27, đến ki-lô-mét số sáu rẽ phải, hoặc từ Ðà Lạt xuống rẽ trái khoảng 400m theo con đường nhựa sẽ đến tận chân tháp. Di tích tháp Pô Klong Ga-rai là quần thể tháp Chàm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, nằm trên đồi nhỏ với độ cao 100m, gọi là đồi Trâu (Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).
Ðây là một công trình độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm.
Quần thể này hiện còn ba tháp: Tháp chính (nơi vua ở - đây là tháp để thờ phượng và hành lễ trong năm); Tháp lửa (bếp lửa của vua) và Tháp cổng (nơi vua tiếp khách) được xây dựng để thờ Vua Pô Klong Ga-rai (Pô Klong Ga-rai là tên gọi của dân tộc Chăm đối với Vua Sinhavarman III (tên hiệu tiếng Phạn) - vị vua có công lớn trong việc xây dựng hệ thống dẫn thủy ở địa phương.
Truyền rằng, lúc ngài được mọi người tôn lên làm vua, quan đại thần Pô Dam không phục. Ðể đánh bại kẻ dèm pha mình, ngài liền thi tài xây tháp với Pô Dam. Ngài đã đốc thúc dân chúng xây một khu tháp đồ sộ và xong trước tháp Pô Dam. Một lần, người Khmer xâm chiếm lãnh thổ Chiêm thành, Pô Klong Ga-rai ra điều kiện để thi xây tháp. Nếu ngài xong trước thì người Khmer phải rút quân về, còn nếu ngài thua thì phải nhượng đất cho họ.
Ỷ vào số đông và tài xây tháp của mình, người Khmer nhận lời thách. Pô Klong Ga-rai truyền cho dân chúng lấy tre làm khung, lấy giấy phết làm gạch. Chờ người Khmer sắp hoàn thành tháp của họ, nhân đêm tối ngài cho dựng mấy cây tháp bằng tre, giấy lên. Sáng sớm tinh sương, người Khmer ngủ dậy, thấy tháp của người Chăm đã mọc lên sừng sững. Họ đành chịu thua và rút quân về nước.
Sau khi đã lo cho dân được ấm no, Vua Pô Klong Ga-rai hóa thân về trời và trở thành vị thần che chở cho dân chúng. Nhớ ơn vua, dân chúng tạc tượng ngài, thờ trong ngôi tháp, mà chính ngài đã dựng lên trong cuộc đọ tài với Pô Dam. Từ đó ngôi tháp mang tên ngài - tháp Pô Klong Ga-rai.
Di tích tháp Pô Klong Ga-rai gắn liền với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận với những đường nét kiến trúc hình vòm, hình chóp nhọn, phù điêu trang trí mượn của nền văn hóa Chămpa cổ và văn hóa dân tộc Việt.
Hằng năm, nhân dân Chăm đều tổ chức các ngày lễ hội ngay tại tháp để tưởng nhớ đến công ơn của vị Vua Pô Klong Ga-rai. Mỗi năm, đồng bào Chăm có bốn lễ hội đặc biệt với những nghi thức riêng, bao gồm: Lễ Ðầu năm (vào tháng giêng theo lịch Chăm) là lễ mở cửa tháp để bắt đầu một năm mới với những thành quả mới của dân tộc mình; Lễ cầu mưa (vào tháng Tư theo lịch Chăm) là lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Lễ hội Katê được tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm (tháng 10 dương lịch), đây cũng được xem là lễ tết lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm. Trong lễ hội Katê, tất cả những người Chăm hiện đang sinh sống ở nhiều miền quê khác nhau đều hội tụ đông đủ về đây để gửi gắm những tâm sự thiêng liêng của mình và của gia đình đối với tổ tiên.
Trong suốt ba ngày diễn ra lễ hội, du khách đến tham quan còn được thưởng thức điệu múa quạt, vũ điệu siva thướt tha dịu dàng của các cô gái Chăm cùng với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo khác.
Cuối cùng là lễ Chabun (tổ chức vào tháng 9 theo lịch Chăm) đây là ngày lễ cha, theo tín ngưỡng của đồng bào Chăm.
Sau khi tham quan tháp Pô Klong Ga-rai, du khách đến các làng nghề truyền thống, chứng kiến các nghệ nhân là những thiếu nữ Chăm ở làng gốm Bầu Trúc, làng dệt thổ cẩm làm nên những sản phẩm độc đáo mang sắc thái riêng của người Chăm. Tại làng gốm Bầu Trúc, nằm ở trung tâm thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) du khách tự tay nhồi đất, nắn các hình gốm tùy thích từ đất sét đặc biệt ở làng gốm này và tha hồ lựa chọn những sản phẩm gốm Bầu Trúc, nhất là được thưởng thức cái nắng và gió rất đặc biệt của miền đất Ninh Thuận này.
(Nguồn: Báo Nhân Dân)