Cách thị xã Lạng Sơn 30km về phía Đông, nằm ở độ cao 1.541m so với mặt biển, núi Mẫu Sơn được bao bọc bởi hàng trăm quả núi nhỏ. Khí hậu ở đây ôn hòa thích hợp cho việc nghỉ dưỡng. Mùa đông, Mẫu Sơn luôn bị mây mù bao phủ.Về mùa hè, nắng vàng rực rỡ. Còn khi vào xuân, cả vùng Mẫu Sơn đỏ rực sắc hoa đào. Đào trái Mẫu Sơn vừa to, vừa ngọt. Mẫu Sơn có loại chè tuyết rất ngon, đượm nước.
Trước đây, Mẫu Sơn vốn là khu nghỉ mát với nhiều biệt thự khang trang chẳng thua kém mấy so với Sa Pa, Tam Đảo. Nhưng rồi chiến tranh xảy ra, nhiều nhà cửa đã bị phá hủy. Trong tương lai, Mẫu Sơn sẽ được xây dựng lại thành khu nghỉ dưỡng và phát triển ngành du lịch leo núi.
Hé mở những mộ đá trên đỉnh Mẫu Sơn
Cuộc khai quật khảo cổ học 2003 - 2004 trên diện tích gần 1.000m2 ở khu linh địa Mẫu Sơn lần đầu tiên đã làm phát lộ hàng nghìn di vật di tích có giá trị, trong đó có khu đền cổ và hầm mộ Cự Thạch. Chung quanh những phát hiện này, đặc biệt là di tích mộ Cự Thạch vẫn còn nhiều câu hỏi thú vị còn bỏ ngỏ...
Huyền tích về phiến đá rỉ máu
Từ đầu thế kỷ XX, dân quanh vùng Mẫu Sơn đã truyền tụng một huyền tích rằng vài chục năm trước trong một chuyến đi săn, một ông chủ gia đình người Dao thôn Lặp Pịa, huyện Lộc Bình đã mang về nhà một phiến đá kỳ lạ từ đỉnh núi Mẫu Sơn để dùng vào... việc bếp núc trong nhà! Thế nhưng sáng hôm sau, khi vừa tỉnh giấc, người đàn ông đã tá hỏa khi tận mắt nhìn thấy phiến đá mình mang về đang rỉ máu loang đỏ cả nền nhà. Sợ toát mồ hôi, ông bèn vội vã cùng gia đình cõng phiến đá lên đỉnh Mẫu Sơn để cầu xin tha thứ.
Câu chuyện cứ thế lan truyền mãi trong ký ức của người Dao và các tộc người khác trong vùng từ đời này qua đời khác. Nơi có phiến đá thiêng và cả vùng phụ cận nhờ đó đã trở thành "vùng lãnh địa linh thiêng".
![]() |
Tuyết rơi trên đỉnh Mẫu Sơn. |
Từ trước những năm 20 của thế kỷ XX, cư dân ở đây vẫn hành hương lên khu linh địa để tế lễ. Trong sách Lạng Sơn đoàn thành đồ của Nguyễn Nghiễm (viết năm 1758), ở mục ghi chép về di tích, người ta thấy ông nhắc đến ngôi đền Mẫu Sơn ở xã Khuất Xá.
Sách Đại Nam nhất thống chí cũng ghi chép về một ngôi đền ở núi Mẫu Sơn. Thế nhưng vấn đề đặt ra là khu linh địa Mẫu Sơn thờ vị thần nào thì không thấy thư tịch nào nhắc đến.
Tuy nhiên, tiến sĩ khảo cổ học Bùi Văn Liêm (Viện Khảo cổ học Việt Nam), người trực tiếp khai quật, cho biết: "Chúng tôi nhận định vị thần được thờ trên khu linh địa là thần Núi".
Những ngôi mộ, đền thờ bằng đá
Trên đỉnh Mẫu Sơn cao 1.190m so với mặt nước biển và nằm cách biệt với làng bản thuở xưa, giới khảo cổ đã hết sức ngỡ ngàng khi bắt gặp hai loại hình kiến trúc đá lớn (cự thạch) là kiến trúc mộ đá và kiến trúc đền thở bằng đá.
Kiến trúc khu đền cổ gồm ba phần: Phần thứ nhất là nền sân để bước lên nơi thờ tự. Phần thứ hai là bậc lên xuống với năm bậc đá được kè vững chắc. Phần thứ ba là tòa Chính điện, được phân thành hai khu khác nhau: khu Tiền tế bên dưới và khu Chính điện bên trên.
Tuy nhiên, đặc sắc nhất phải kể đến những mộ đá Cự Thạch. Đó là những hầm mộ kiểu khối hộp chữ nhật vuông thành sắc cạnh do các tảng đá lớn có kích thước trung bình dài 2,8m, rộng 1m, cao 0,5m xếp thành.
Theo nhận định của tiến sĩ Bùi Văn Liêm thì các hầm mộ này được xây theo lối rất độc đáo. Cụ thể, người thợ lợi dụng khối đá tự nhiên (có gia cố thêm) để tạo một vách mộ phía tây một cách chắc chắn và kiên cố. Còn mặt phía bắc và phía đông thì được ghép với hai phiến đá đã được gia cố bằng kỹ thuật đục, đẽo rất tỉ mỉ.
Phiến đá vách bắc và vách đông tạo thành một góc vuông có chiều dài 2m, rộng 0,6m, dày 0,2m.
Sau khi tạo được ba vách bắc, đông, tây, phần trần mộ được đậy bằng một phiến đá vuông có kích cỡ nhỏ hơn. Do vậy, khối đá trần chỉ đậy khít các phiến đá ở mặt phía bắc, tây và đông.
Riêng vách phía nam do khối đá gốc còn chạy tiếp ra phía sau và phía trước hầm mộ nên đã tạo thành lối vào hầm mộ dài 2m. Chung quanh ba vách đông, tây, bắc của hầm mộ được xếp chèn nhiều hòn đá nhỏ tự nhiên, bản thân nóc hầm cũng có đất đá kê xếp tạo hình mu rùa... Ngoài ra, còn có hầm mộ được xây dựng với mái che hai tầng!
Bí ẩn của những Dolmen
Trong những lần khảo sát trước, một vấn đề khiến giới khảo cổ học Việt Nam ngạc nhiên là làm thế nào mà người xưa có thể chuyển những khối đá lớn hàng nửa tấn để xây dựng những đền tháp và nền nhà ở độ cao đến thế giữa đỉnh núi cheo leo? Để tìm lời giải, tiến sĩ Vũ Thế Long, chuyên gia hàng đầu về nhân chủng học và cổ sinh học, đã bỏ rất nhiều thời gian thu thập và quan sát các loại đá đẽo vuông vắn để xây dựng tại khu linh địa này.
Ông kể lại: "Một buổi sáng, tôi len lỏi vào khu rừng phía tây ngay sát khu kiến trúc của linh địa và vô cùng sửng sốt vì đã phát hiện được một số phiến đá lớn đẽo gọt dang dở. Tìm kiếm kỹ hơn, tôi đã thấy những tảng đá gốc bị nước chảy mạnh xẻ ra thành những tấm đá dày từ 20-30cm có dạng như những tấm phản dựng dọc. Trên một số phiến đá đã tìm thấy dấu vết đục đẽo. Vậy là đã rõ. Những người thợ xây dựng ở đây đã lợi dụng hình dạng và cấu trúc tự nhiên của những khối đá này, đẽo gọt chúng ngay tại chỗ rồi chuyển nó ra địa điểm xây dựng gần đó".
Đoán định niên đại của những di tích trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phục dựng lại tiến trình lịch sử của khu linh địa.
Theo các chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam, kiểu kiến trúc mộ đá này thuộc dạng Dolmen đã được phát hiện nhiều nơi ở Việt Nam và châu Á. Cụ thể, mộ dạng này được tìm thấy ở Cự Thạch (Vũ Xá, Lục Nam, Bắc Giang), trên sườn núi Lạn Kha (xã Phượng Hoàng, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh)...
Xét tổng thể thì di tích Dolmen ở Tiên Sơn cũng rất gần với dạng Dolmen đã khai quật tại hố H1 và H2 ở Mẫu Sơn. Tuy nhiên, những Dolmen đã phát hiện trước đó ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Gia Lai... đã được một số chuyên gia khảo cổ như H.Pamentier, Byung Kim... xếp vào giai đoạn văn hóa Đông Sơn (cách đây trên dưới 2.500 năm).
Vậy thì phải chăng Dolmen ở Mẫu Sơn đã có từ sơ kỳ thời đại sắt và trên đỉnh núi cao 1.190 m so với mặt biển cũng là vùng phân bố của văn minh sông Hồng - mở đầu cho kỷ nguyên dựng nước trong lịch sử dân tộc Việt Nam?
(Theo: Thể thao & Văn hóa)