Bình Thuận là tỉnh ở phía Nam Trung Bộ với nhiều thắng cảnh đẹp được xếp vào loại nhất nhì như đồi cát Mũi Né, bãi đá Cổ Thạch, tượng Phật nằm dài 49m ở chùa Linh Sơn Trường Thọ trên núi Tà Cú, đền thờ cá voi Vạn Thủy Tú, tháp nước đẹp cao 32m ở trung tâm thành phố Phan Thiết...
Nổi bật trong những thắng cảnh đó là ngọn đèn biển Khe Gà hơn trăm tuổi, bằng đá cao 54m. Con đường từ ngã ba Tân Thuận theo tỉnh lộ 72 (trung tâm Thành phố Phan Thiết) đến khu du lịch Đồi Sứ - đảo Khe Gà dài khoảng 25 km. Đường được trải nhựa phẳng lì. Dọc hai bên đường mênh mông những ruộng muối nối tiếp nhau, xa hút tầm mắt.
Ngọn hải đăng trên đảo Khe Gà. Hay còn gọi là hải đăng Kê Gà vì là mũi đất có khe giống đầu mỏ của một con gà, được xây dựng trên đỉnh đảo Khe Gà. Hòn đảo này rộng 5 ha với hàng trăm cụm đá hoa cương vàng rực muôn hình muôn vẻ và hàng trăm cây sứ đại thụ. Đảo nằm trên địa phận xã Thuận Quý, trước thuộc huyện Hàm Tân, nay thuộc huyện Hàm Thuận Nam, một bên là đảo Khe Gà còn một bên là khu du lịch Đồi Sứ.
Đồi Sứ có diện tích rộng 14 ha, có rừng sinh thái và cả biển bạc đậm nét hoang sơ. Đường lên đỉnh đồi được làm bằng gạch đỏ, ngoằn ngoèo từ trên đồi nhìn xuống trông giống như những sợi chỉ đỏ vắt qua triền núi. Chen lẫn với những cây sứ cổ đại ven chân đồi là những rừng thông xanh ngút ngàn. Đảo Khe Gà cách bờ biển khoảng hơn 200m. Trước đây, vào những ngày nước ròng, từ bờ biển có thể lội ra đảo được. Nhưng bây giờ đi lại vất vả hơn, muốn tới đó du khách phải đi bằng thuyền thúng thuê của các ngư dân trong vùng. Trên đỉnh đảo là ngọn Hải đăng Khe Gà được xây dựng tương đối đồ sộ, xây bằng đá hoa cương, hình bát giác. Nơi đây phong cảnh hữu tình, trời nước bao la thoáng mát. Hàng ngày vẫn có bộ đội ngày đêm đứng gác.
Trong lịch sử hàng hải ở khu vực này, Mũi Khe Gà được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Các thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Do vị trí hiểm yếu của vùng biển này và để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu cho xây dựng ngọn Hải đăng Khe Gà. Ngọn hải đăng này được một người Pháp tên là Chnavat kỹ sư thiết kế, xây dựng từ tháng 02 năm 1897, đến cuối năm 1898 mới khánh thành và chính thức hoạt động năm 1900. Trong thời gian xây dựng rất nhiều người chết do tai nạn. Hiện nay ở đây vẫn còn nghĩa địa yên nghỉ những người đã chết khi xây dựng công trình này. Chiếu sáng một vùng biển 22 hải lý
Hiện Hải đăng Khe Gà vẫn còn một tấm đá hoa cương lớn đặt ngay trước cửa vào Hải đăng khắc năm 1899. Tấm đá hoa cương xây ở Hải đăng Khe Gà, chưa biết người Pháp đưa từ đâu đến vì trong khu vực không có loại đá này. Không phải chỉ là những viên đá bình thường có 4 góc mà tất cả những khối đá hoa cương dùng xây Hải đăng đều đã được chạm, khắc thành từng ô, từng hình cạnh khớp với nhau. Nghĩa là gần như có sẵn một ngọn tháp bằng đá đã được làm sẵn, khi xây chỉ cần lắp đặt vào đúng thứ tự, góc cạnh từ dưới lên trên và chỉ cần đưa vữa vào là kết dính lại, không cần phải trét sửa chữa.
Tháp đèn xây bằng đá cao 35m, độ cao toàn bộ từ tầm ngọn đèn đến mặt biển 65m, kích thước cạnh của tháp (chân tháp) rộng 3m, đỉnh rộng 2,5m. Chiều dày tường tháp từ chân tháp đến độ cao 6m là 1,6m, càng lên cao độ dày càng giảm từ 1,50m và mỏng nhất ở đỉnh tháp là 1m. Trên ngọn tháp có bóng đèn lớn 2.000W có bán kính quét sáng trên biển của ngọn Hải đăng này là 22 hải lý, tương đương 40 km, dùng làm tín hiệu hướng dẫn tàu bè qua lại. Ngoài ngọn Hải đăng còn có một căn nhà lớn hình vuông mỗi cạnh 40m, dưới nhà là một hầm chứa nước sâu 3m, trước nhà có một giếng gọi là giếng Tiên.
Từ dưới mép nước biển đến Hải đăng hàng chục bậc tam cấp. Hai hàng hoa sứ dọc theo lối đi và xung quanh chân Hải đăng do người Pháp trồng từ cuối thế kỷ trước đến nay còn nguyên, toả bóng mát quanh năm. Bên trong có 184 bậc thang xoáy ốc bằng thép dẫn đến đỉnh Hải đăng cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn. Tất cả đều được đưa từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn trên đỉnh và máy phát điện. Với quy mô này, Hải đăng Khe Gà hiện là ngọn hải đăng cao và cổ xưa nhất vùng Đông Nam Á.
Hiện nay, hòn đảo Khe Gà và ngọn Hải đăng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách. Hải đăng Khe Gà vừa là thắng cảnh, vừa là di tích kiến trúc độc đáo. Một năm trở lại đây, nơi này là địa danh rất thích hợp với các hoạt động thanh niên, đã được một số công ty du lịch đưa vào khai thác làm nơi dã ngoại. Tuy nhiên, hiện nay nếu muốn ra đảo, khách du lịch phải đăng ký và xin phép bộ đội biên phòng khu vực đảo.
(Nguồn: Bình Thuận)