Đền Bạch Mã được Cao Biền xây dựng từ năm 866 trước khi có kinh thành Thăng Long, lúc ấy đền nằm ở hướng chính đông thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay là phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đền thờ vị thần Long Đỗ trấn giữ hướng Đông - hướng mặt trời mọc. Ông là vị thần thiêng, được chúng dân thời xưa ở Thăng Long rất tôn sùng, kính phục. Khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long - năm 1010 nhà vua cho xây thành Thăng Long. Nhưng thành đắp lên rồi lại bị đổ, quân sĩ đã dùng nhiều sức để đắp nhưng vẫn không được. Vua Lý liền cử vị quan to đến cầu thần Long Đỗ. Thần Long Đỗ, hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương, tức thần núi Long Đỗ (núi Nùng). Tương truyền núi có khe sâu thông xuống lòng đất tiếp nhận khí thiêng sông núi. Long Đỗ là vị thần của linh khí núi sông thiêng liêng vào bậc nhất nước Nam. Do thành tâm cầu khẩn nên đã xuất hiện một hiện tượng lạ là từ trong đền tiến ra một "ngài" ngựa trắng. Ngựa không phi nước đại mà ung dung cất vó quanh một vòng thành. Dấu chân ngựa in đậm trên vùng đất thiêng chỗ xây thành. Nhà vua ra lệnh, quân sĩ cứ theo dấu chân ngựa trắng mà lấy đất đắp thành. Từ đó thành được đắp cao lên, rất vững chắc. Thành xây xong, nhà vua xuống chiếu cho chúng dân Thăng Long thờ thần làm Thành hoàng - Quốc đô định bang Thành hoàng đại vương. Nhà vua lại phong tặng là "Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần". Từ đấy ngựa trắng là một biểu tượng thiêng liêng mà ngày nay người ta gọi ngôi đền ấy là đền Bạch Mã.
|
Tượng thần Bạch Mã |
Ngày nay ngôi đền vẫn còn lưu giữ nhiều văn bia, hoành phi nói về thần Long Đỗ và Bạch Mã, nghi lễ cúng thần cùng các lần trùng tu tôn tạo. Nơi đây cũng là nơi ít nhiều để lại dấu ấn của những kiều dân Trung Hoa trong thời kỳ di dân phát nghiệp xuống phía Nam từ thế kỷ 17, một thời dung nạp những tinh hoa văn hóa bên ngoài một cách có chọn lọc thể hiện qua kiến trúc, thần tích, lễ hội tại đền.
(Nguồn: tổng hợp) |