Không phải ngẫu nhiên mà các ngành chức năng của tỉnh Phú Thọ đang tập trung phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng bộ hồ sơ khoa học về Đền Hùng và các di tích khảo cổ thời tiền sử, sơ sử ở Phú Thọ chuẩn bị trình UNESCO (tổ chức văn hóa khoa học và giáo dục của Liên hiệp quốc) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Để trở thành một Di sản văn hóa thế giới cần có những điều kiện nhất định mà UNESCO đã đặt ra các tiêu chí, trong đó tiêu chí về tính nổi bật toàn cầu của một di sản văn hóa được đặt lên hàng đầu. Điều này cho thấy, để chứng minh được về thế giới tính nổi bật toàn cầu của Đền Hùng và các di tích khảo cổ thời tiền sử, sơ sử ở Phú Thọ là một vấn đề thực sự khó khăn, nhưng chúng ta có thể thực hiện được.
Với sự phát triển của khoa học lịch sử, đặc biệt là ngành Khảo cổ học Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã từng bước làm sáng tỏ sự ra đời và những bước phát triển của người Việt cổ. Những chứng tích thám sát ở núi Đọ (Thanh Hóa), Đồng Nội (Hòa Bình), Thu Cúc (Thanh Sơn), Sơn Vi (Lâm Thao)... đã cho xuất lộ những tầng văn hóa của thời kỳ đồ đá, tương ứng với thời kỳ con người nguyên thủy sinh sống trên những vùng đất này. Đặc biệt ở Phú Thọ, sau văn hóa Sơn Vi, ngành khảo cổ học từng bước phát hiện ra văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn với những di tích nổi bật như Làng Cả, Gò De... là những giai đoạn kế tiếp phát triển liên tục của người Việt cổ - từ đồ đá sang đồ đồng và đồ sắt. Tương ứng với những giai đoạn văn hóa này là thời kỳ các Vua Hùng bắt đầu khởi nghiệp xây dựng nhà nước Văn Lang tôn tạo trên dưới 2000 năm. Những hiện vật tìm thấy được tại những di chỉ khảo cổ học nói trên hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, Bảo tàng Phú Thọ và bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Như vậy có thể thấy rằng, ngành khảo cổ học đã chứng minh trên vùng đất Phú Thọ ngày nay là địa bàn tập trung của những người thời tiền sử, sơ sử và điều đó cũng giúp chúng ta lý giải với thế giới rằng, Việt Nam là một trong những quê hương của người nguyên thủy và là nơi xây dựng nên Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Trong đó địa điểm tập trung nhất các di tích xung quanh khu vực Đền Hùng, nơi có Kinh đô Văn Lang của các Vua Hùng. Đây có thể là một luận chứng về tính nổi bật toàn cầu của các nền văn hóa thời đại tiền sử, sơ sử ở Phú Thọ. Tuy nhiên, để luận chứng này có thể chấp nhận được, đòi hỏi các bộ, ngành trung ương và tỉnh Phú Thọ phải tập trung chỉ đạo và đầu tư nhằm bảo tồn và khôi phục những di tích khảo cổ học đã được phát hiện trên vùng đất Phú Thọ; đồng thời tiếp tục cho thám sát một số địa bàn xung quanh Đền Hùng để phát hiện thêm những di chỉ khảo cổ học mới thời tiền sử, sơ sử. Đó chính là cơ sở vững chắc cho chúng ta lập hồ sơ khoa học về bước phát triển của con người nguyên thủy đến thời đại Hùng Vương - thời mở đầu dựng nước của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh những thành tựu khảo cổ học, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thời đại Hùng Vương còn tồn tại đến ngày nay, cũng là một cơ sở giúp chúng ta lý giải về tính nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa này.
Ở nhiều dân tộc khác trên thế giới, thời nguyên thủy có tục thờ vật thiêng. Điều này bắt đầu xuất hiện khi con người nguyên thủy không lý giải được các hiện tượng thiên nhiên như sấm chớp, bão giông... nên đã lấy những vật thiêng (có thể là súc vật hoặc những vật thể tự nhiên) làm Tô tem (vật Tổ) để thờ cúng, lấy đó làm bùa hộ mệnh cho một cộng đồng. Điều này ở Việt Nam cũng có thể thấy ở vài dân tộc thiểu số cũng có tục thờ vật thiêng như một số dân tộc khác trên thế giới. Khác biệt hơn đối với các dân tộc trên thế giới, người Việt Nam từ xa xưa đã đề cao tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, qua thời gian đã trở thành truyền thống của dân tộc. Đến nay, Nhà nước ta đã công nhận ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày Quốc Lễ. Đây là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam mà không một dân tộc nào trên thế giới có được. Ý nghĩa của ngày giỗ Tổ đối với mỗi người dân Việt thật lớn lao - đó cũng chính là niềm kiêu hãnh của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Ở Việt Nam mỗi người dân đều ý thức sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Vì vậy, người dân đất Việt dù có đi bất cứ nơi đâu, ngày giỗ Tổ vẫn hướng về bàn thờ tổ tiên của dân tộc. Không chỉ ở trong nước, mà ngay cả những người Việt Nam đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài, khi về thăm đất nước đều đến nơi thờ cúng tổ tiên để thắp nén hương thơm trên bàn thờ Tổ. Đã có một số cộng đồng người Việt ở nước ngoài về Đền Hùng xin đất và nước để lập bàn thờ Tổ nơi họ đang sinh sống hôm nay, để đến những ngày giỗ Tổ, họ bái vọng về Tổ tiên, những mong được sự che chở cho hạnh phúc gia đình và mưu cầu cuộc sống ngày càng thịnh vượng.
Như vậy có thể thấy tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên là một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đây không những là một truyền thống đẹp đáng trân trọng và tự hào, mà chính từ tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên giúp con người Việt Nam đoàn kết, gắn bó nhau trong cộng đồng. Từ đó có sức mạnh để chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm nhằm bảo vệ sự toàn vẹn non sông gấm vóc của dân tộc Việt Nam. Cũng có thể thấy, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên mà người Việt Nam đã lập nên hàng nghìn ngôi đền, miếu thờ cúng Vua Hùng trên mọi miền đất nước. Riêng trên địa bàn Phú Thọ ngày nay đã có 326 đền thờ Vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương. Trong đó còn tồn tại những ngôi đền cổ rất có giá trị nay đã được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh.
Với những tín ngưỡng thời cúng tổ tiên, chính là y thức tâm linh của cộng đồng người Việt. Đây là một tín ngưỡng không chỉ đối với người dân trong nước mà còn mở rộng tới cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, từ đó có tầm ảnh hưởng đối với các dân tộc khác trên thế giới. Ngoài tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, trên vùng đất Tổ - Trung tâm của Nhà nước Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước còn tồn tại nhiều hoạt động lễ hội truyền thống, với những trò diễn xướng dân gian, cùng với cả một kho tàng văn hóa nghệ thuật lưu truyền từ thời Hùng Vương dựng nước đến ngày nay, cũng là cơ sở để bổ sung vào bộ hồ sơ khoa học về một dân tộc đã có bề dày truyền thống văn hóa. Qua đó chúng ta thấy rằng, cùng với những di tích khảo cổ thời tiền sử, sơ sử và tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn tồn tại đến ngày nay thờ tự các Vua Hùng là những minh chứng giúp chúng ta lập bộ hồ sơ khoa học trình với UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Tuy vậy, với hiện trạng của Đền Hùng cùng với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của thời tiền sử, sơ sử trên vùng đất Tổ chưa thể thuyết phục được ngay các tổ chức quốc tế công nhận Di sản văn hóa thế giới. Mà đòi hỏi các cấp các ngành từ Trung ương đến tỉnh tiếp tục đầu tư để bảo tồn, tôn tạo những di tích lịch sử và những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đang tồn tại có đủ những yếu tố cần thiết đảm bảo cho việc lập bộ hồ sơ khoa học. Đặc biệt cần quan tâm đối với Di tích lịch sử Đền Hùng, một di tích đặc biệt của quốc gia - là nơi thờ tự chính đối với các Vua Hùng. Nơi đây còn là địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và căn dặn các thế hệ người dân Việt Nam với câu nói bất hủ:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước,
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Do đó, Đền Hùng còn là di tích lịch sử có giá trị “kép”, vừa là nơi tôn nghiêm thờ cúng Tổ tiên, vừa là nơi có di tích lịch sử ghi nhớ công lao của người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đền Hùng đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay một số công trình đã được tu bổ, tôn tạo như: Đền Thượng, Lăng Vua Hùng và quy tụ những giá trị tâm linh để thờ Tổ Mẫu Âu Cơ và Quốc Tổ Lạc Long Quân, cùng với việc xây dựng Trung tâm lễ hội đón đồng bào cả nước về với cội nguồn dân tộc.
Để Đền Hùng và các di tích khảo cổ thời tiền sử, sơ sử ở Phú Thọ sớm trở thành Di sản Văn hóa thế giới, ngoài nguồn lực của Nhà nước, rất cần có sự hảo tâm công đức của các tổ chức, cá nhân là con dân đất Việt đang sinh sống ở mọi miền Tổ quốc, cũng như những người đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài, nhằm tiếp tục tu bổ, tôn tạo và xây dựng thêm những công trình mới, bảo tồn những giá trị văn hóa trên vùng đất Tổ. Đây vừa là việc làm thiết thực của mọi người dân đất Việt để tri ân công đức Tổ tiên, vừa giúp chúng ta xây dựng được bộ hồ sơ khoa học với những chứng tích xác đáng đề nghị UNESCO sớm công nhận Đền Hùng và những di tích khảo cổ thời tiền sử, sơ sử ở Phú Thọ trở thành Di sản văn hóa thế giới - niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
(Nguồn: Phú Thọ)