Từ xa, tiếng thác nước ầm ào vang dội khắp cánh rừng. Bước chân không khỏi vội vã khi đến gần con nước.
Dọc hai bên đường quốc lộ 14, những vạt bông cúc trắng nở san sát mặt
đường. Chúng thay thế cho bông dã quỳ vào mùa xuân. Thế nhưng, lâu lâu
ta lại có thể thấy một vài bông dã quỳ hiếm hoi còn sót lại.
Dăk Nông không có nhiều điểm du lịch, loanh quanh chỉ có những ngọn
thác do con sông Srépok hợp lưu từ hai con sông Krông Nô và Krông Ana
mà tạo thành. Điều lạ là, hai con sông này vốn hiền hoà nhưng khi hợp
lại với nhau thì trở nên hung dữ và chảy xiết. Do đó, những ngọn thác
do chúng tạo ra rất hùng vĩ.
Thác Dray Nur chính là một tuyệt tác mà tạo hoá đã ban tặng cho chúng
ta. Theo ngôn ngữ của người dân tộc ở đây, ngọn thác này là thác cái
hay thác vợ. Vào mùa này, dòng nước đổ xuống từ thác trở nên cuồn cuộn
và cuốn theo nó là dòng phù sa màu mỡ, ầm ầm đổ xuống, bọt nước bắn
tung toé.
Những tảng đá phủ đầy rêu xanh, cây cỏ um tùm như đang ở nơi chưa có bàn chân con người đặt chân đến.
Cách thác Dray Nur không xa là thác Dray Sap, được hiểu như là thác
khói theo ngôn ngữ của thổ dân ở đây. Sở dĩ, có tên như vậy vì dòng
nước từ trên cao ào ào đổ xuống dưới, bọt nước bốc lên tạo thành những
lớp như sương như mây.
Con đường mòn đến Dray Sap tuyệt đẹp, nó được lát bằng những phiến đá
và qua ngày tháng còn được phủ bằng một lớp rêu thời gian. Hai bên
đường là những cây cổ thụ xanh tươi, cao vun vút bằng hai người ôm mới
xuể, ước tính tuổi thọ của những thân cây này có đến hàng trăm tuổi.
Nếu để ý, có thể thấy được một dòng thác nước nhỏ đổ từ vách đá dựng
đứng trên con đường đến thác.
Những hồ nước nằm rải rác bên vệ đường với hàng khối loài thuỷ sinh tạo
cho đường vào thác trở nên lung linh, huyền ảo, mơ màng như đang lạc
vào nơi tiên cảnh bồng lai nào đó trong tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân.
Ngoài hai thác Dray Nur và Dray Sap, con sông Srépok còn tạo ra những
dòng thác khác như thác Gia Long (tương truyền tên thác do vua Bảo Đại
đặt), thác Trinh Nữ...
(Nguồn: SGTT)