Bao thăng trầm biến cố đã đi qua, thời gian cũng đủ để một lớp thông mới trưởng thành, nhưng Đà Lạt vẫn như không thay đổi. Đầu năm 1916, Đà Lạt mới chỉ là một khu thị tứ nhỏ với khoảng 8 căn nhà gỗ tập trung hai bên bờ Cam Ly và khoảng 9 phòng khách sạn phục vụ du khách – đến cuối năm đã là 26 phòng.
Bảy năm sau, đồ án thiết kế Đà Lạt thành một thành phố hoàn thành. Đến năm 1920, Đà Lạt được toàn quyền Đông Dương chuẩn y việc biến nơi đây thành trung tâm nghỉ mát ở Đông Dương.
Rồi Thế chiến thứ 2 xảy ra, Đà Lạt đã thực sự trở thành một trung tâm nghỉ mát, và là nơi đáp ứng những nhu cầu về hoa và rau quả. Để đáp ứng nhu cầu của các quan chức Pháp, Đà Lạt vì thế đã được kiến thiết và quy hoạch một cách khá hoàn thiện – tuy chỉ có mỗi cái lõi trung tâm lúc ấy – đến hiện nay, mặc dù tiếp tục được xây dựng và đầu tư, nhưng vẫn như chỉ là cơi nới, chưa mang tính đồng bộ giữa chính những đường nét mới với nhau, chứ chưa nói đến sự phù hợp với những kiến trúc được xây dựng từ đầu thế kỷ 20.
Nhưng có một điều có lẽ ít thành phố du lịch nào trên thế giới có được đấy là, sản phẩm du lịch của Đà Lạt cũng chính là điều hình thành nên Đà Lạt, là tự thân vốn có của Đà Lạt. Đà Lạt – theo cách gọi của người Lạt - Dak: nước, suối; Lat: M’Lates – Dalat: suối của người Lat. Là khí hậu, là thác, là hoa, là cây cối xanh tốt quanh năm trên điều kiện thổ nhưỡng tốt. Thiên nhiên ưu đãi, địa hình tự nhiên phân cắt mạnh tạo ra một Đà Lạt với vị thế riêng, nơi có nhiều hồ thác, bạt ngàn hoa và được bao bọc bởi bạt ngàn thông lá kim.
Kiến trúc của Đà Lạt cũng là một phần làm nên điều khác biệt cho nơi này. Nó được bàn tay con người cải tạo, chăm sóc theo mục đích của từng giai đoạn, phục vụ theo mục đích của từng thời kỳ. Kiến trúc Pháp in dấu trên những khu biệt thự, nhà nghỉ, khách sạn; in dấu trên các công trình tín ngưỡng nhà thờ, tu viện… Kiến trúc kiểu Mỹ theo thời gian, cũng ghé đến Đà Lạt, rồi cũng trở thành một phần không thể thiếu của Đà Lạt, làm nên diện mạo cho nơi đây thêm màu sắc. Đà Lạt được tạm xem như một “tiểu Paris hợp chủng”, vì tính chất đa dạng của những con người định cư ở đây, vì văn hoá các vùng miền mà họ mang đến, xây dựng nên nơi đây.
Bao thăng trầm biến cố đã đi qua, thời gian cũng đủ để một lớp thông mới trưởng thành, nhưng Đà Lạt vẫn như không thay đổi. Có nhộn nhịp, có đông đúc hơn, thậm chí có hỗn tạp hơn đôi phần, tuy nhiên, trong cái lạnh chẳng bao giờ quá 320C, mùa đông cũng không bao giờ thấp hơn 50C. Bao loài hoa vẫn khoe sắc bốn mùa, mùi thông non vẫn thơm trong gió, thác vẫn đổ trắng xoá, núi đồi vẫn che chở cho thiền viện, cho những ngôi chùa cổ kính, tĩnh lặng; nhà thờ con gà vẫn sừng sững, nhà thờ Domaine de Marie vẫn ngập trong cỏ hoa, vẫn là một trong những công trình tiêu biểu cho kiến trúc Pháp cổ xưa của Đà Lạt.
(Nguồn: SGTT)