Vào ngày 10/10, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã công bố và chính thức xác lập lần thứ nhất 20 kỷ lục Việt Nam của thủ đô Hà Nội.
1. Nơi duy nhất chứng kiến sự ra đời của 3 bản tuyên ngôn độc lập
Đó là Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (đầu thế kỷ 15) và Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1945). Cùng bài thơ "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt (nửa sau thế kỷ 11) được các nhà sử học coi như “Ba bản Tuyên ngôn độc lập” của dân tộc Việt Nam.
2. Thành phố có nhiều hồ đầm nhất
Có đến hơn 40 hồ đầm lớn nhỏ ở nội và ngoại thành Hà Nội;
3. Thành phố lớn nhất
Diện tích của thành phố Hà Nội mở rộng là 3.324,92km2, đứng đầu cả nước về diện tích và nằm trong số 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.
4. Thành phố có nhiều di tích danh thắng nhất
Hà Nội có hơn 4.000 di tích danh thắng, trong đó có hơn 1.000 di tích đã được xếp hạng quốc gia, kho tàng văn hóa phi vật thể, hơn 1.200 làng nghề độc đáo.
5. Thành phố có hệ thống bảo tàng nhiều nhất
Đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách Mạng, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng chiến thắng B52, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Mỹ Thuật, Bảo tàng Hà Nội…
6. Thành phố có tên phố và ngõ bắt đầu bằng chữ "Hàng" nhiều nhất
Thăng Long-Hà Nội xưa có tới hơn 50 tên phố, ngõ được bắt đầu bằng chữ Hàng, gắn với những thứ hết sức quen thuộc trong đời sống như Cỏ, Chuối, Chĩnh, Chiếu, Chỉ, Chè, Cháo, Chai…
Những kỷ lục còn lại là “Trường Quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam - Quốc Tử Giám” (1076); Văn Miếu (1070) - “Nơi có nhiều hệ thống văn bia Tiến sĩ nhiều nhất”; “Bia Tiến sĩ đầu tiên” - khắc cho khoa thi 1442, có ghi tên 33 vị tiến sĩ; “Tòa thành cổ nhất” - Thành Cổ Loa xây năm 225 trước công Nguyên; “Công trình Đài Nghiên, Tháp Bút duy nhất” (1865); “Làng cổ đầu tiên được công nhận di tích Lịch sử cấp quốc gia” - Làng cổ Đường Lâm có 800 ngôi nhà cổ bằng đá ong, 21 di tích; “Phố có nhiều cổng làng nhất” - Phố Thụy Khuê dài 3,2km có hàng chục cổng làng; “Di tích có quy mô khai quật nhiều nhất” - Di tích hoàng thành Thăng Long diện tích khai quật rộng hơn 19.000m2.
Hà Nội còn có “Trường Mỹ thuật đầu tiên” - Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924); “Trường Đại học Y Dược đầu tiên” (1902); “Viện nghiên cứu khoa học đầu tiên” - Viện Viễn Đông Bác Cổ (1901); “Khu vườn duy nhất có nhiều giống cây trái đặc trưng 3 miền” - đó là khu vườn nhà Bác Hồ; “Cây cầu sắt nhiều tuổi nhất” – cầu Long biên (1902); “Làng làm nghề ảnh sớm nhất” - làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức có nghề ảnh từ những năm 1900-1910./.
Nguồn: TTXVN