Theo sử sách đã ghi, trong đại chiến chống giặc Minh, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã chiến đấu trong một thời gian khá dài và hạ được thành Xương Giang trước khi viện binh của giặc Minh tới. Mặc dù phải giao chiến nhiều ngày, lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn chỉ có một phần ba so với giặc, song dưới sự chỉ đạo của Lê Lợi và sự ủng hộ giúp đỡ của người dân hai làng thuộc cánh đồng Xương Giang, chỉ trong một đêm đã vẽ nên một thành trì bằng cót khiến giặc Minh vô cùng khiếp sợ, tưởng có Thần Linh hoá phép, buộc phải đầu hàng rút quân về nước.
Để tưởng nhớ công ơn của người dân hai làng nơi cánh đồng năm xưa đã giúp nghĩa quân vẽ thành giả chiến thắng giặc Minh, sau khi lên ngôi, vua Lê Lợi đã đặt tên nơi vẽ thành cót là “làng Thành” và nơi cung cấp nhân công vẽ thành là “làng Vẽ” rồi cho dựng một ngôi chùa tại đây.
Căn cứ bản khắc trên cây hương “Thiên đài thạch bi ký Huyền Khuê tự” dựng thời Lê, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1719) thì chùa Vẽ được khởi dựng vào thời Lê, trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn. Lúc đầu, chùa còn nhỏ, sau này sư Giáp Linh về đây trụ trì và giáo hoá dân làng đóng góp công, của và vận động quyên giáo cùng khách thập phương dựng thành ngôi chùa lớn, rồi tạc tượng, đúc chuông…
Chùa Vẽ có kiến trúc kiểu “Nội công, ngoại quốc”, hệ thống thờ tự thuộc dòng Lâm tế Bắc tông, tượng phật điện ở đây bài trí hết sức tỉ mỉ, điêu khắc tinh xảo, trải qua gần 300 năm vẫn giữ nguyên được mầu sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Chùa Vẽ là ngôi chùa cổ kính và có giá trị nhiều mặt về văn hoá, kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Mỗi pho tượng đều là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của những người nghệ nhân thế kỷ XVII còn bảo tồn được đến ngày nay. Có thể nói, ngoài chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang) thì cả vùng này không có ngôi chùa nào Phật điện có tượng cổ kính và đẹp hài hoà như ở chùa Vẽ. Xét về mặt giá trị nghệ thuật của ngôi chùa, năm 1994, chùa Vẽ đã được Nhà nước công nhân là di tích nghệ thuật cấp quốc gia.
Hàng năm, vào ngày mồng 6 và 7 tháng Giêng, chùa Vẽ lại mở hội lớn. Nhân dân trong vùng náo nức về dự hội, thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ đức Phật. Chùa Vẽ còn là điểm đến của các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên cùng đông đảo đồng bào phật tử và du khách thập phương.